Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2012, kinh tế vùng Tây Nam Bộ tăng trưởng 10,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,3 triệu đồng, tăng5,8 triệu đồng so năm 2011.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao được các địa phương duy trì và phát triển. Các địa phương đã triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo trong vùng đồng bào Khmer. Trong đó, Chương trình 135 giai đoạn 2 đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại 125 xã và 162 ấp đặc biệt khó khăn với tổng vốn 110 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện khá tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer ổn định đã tạo môi trường thuận lợi để đồng bào yên tâm lao động và học tập. Việc dạy và học chữ Khmer tiếp tục được quan tâm; phong tục tập quán, lễ hội, Tết truyền thống dân tộc Khmer được gìn giữ và phát huy. Hội đoàn kết sư sãi yêu nước các địa phương đã làm tốt công tác vận động sư sãi, phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước...
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer.
Ðồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ biểu dương những đóng góp của cán bộ, chức sắc, đồng bào Khmer trong phát triển kinh tế-xã hội; ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu để có định hướng giải quyết, giúp việc thực hiện chính sách dân tộc ở vùng đồng bào Khmer ngày càng đạt kết quả cao.
* Ðón nhận phần thưởng cao quý
Ngày 9-1, tại TP Ðiện Biên Phủ, Công an tỉnh Ðiện Biên tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (10-1-1953 - 10-1-2013) và đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhất do Chủ tịch nước tặng thưởng. Dự buổi lễ, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Trung tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Công an; Lò Mai Trinh, Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên. Ngày 10-1-1953, Ty Công an Lai Châu (nay là Công an tỉnh Ðiện Biên) được thành lập. Trong những ngày đầu gian khó, quân số mỏng, phương tiện, thiết bị thiếu thốn, song với tinh thần quả cảm, mưu trí, lực lượng Công an tỉnh đã trấn áp, tiêu diệt, tổ chức vây bắt bọn thám báo, biệt kích, bọn tề ngụy, phỉ...; góp phần cùng với quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Lực lượng công an còn tham gia chi viện cho chiến trường miền nam, góp sức cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các chủ trương, giải pháp quan trọng; thường xuyên phối hợp với các lực lượng vũ trang giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác an ninh đối ngoại và hợp tác quốc tế, giải quyết có hiệu quả tình hình an ninh trật tự trên hai tuyến biên giới Việt Nam- Lào; Việt Nam- Trung Quốc.
* Ban Chỉ đạo Tây Bắc làm việc tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Ngày 8 và 9-1, Ðoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Bắc do đồng chí Hoàng Trí Thức, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn vào Thanh Hóa làm việc tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ðoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Quan Hóa đạt được; biểu dương huyện đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Trong thời gian tới, huyện cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Tây Bắc về phát triển vùng, khai thác tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, coi trọng phát triển, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái.
Ðoàn công tác ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của huyện để tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành, Chính phủ xem xét, có giải pháp tháo gỡ. Ðoàn đã đi khảo sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại hai xã: Hiền Kiệt, Xuân Phú và thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 495.
* Ðưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại CHLB Ðức
Chiều 9-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Ðức (GIZ) tổ chức họp báo thông tin Chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Ðức trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện chương trình thí điểm này.
Chương trình thí điểm tuyển chọn 100 điều dưỡng viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng điều dưỡng tại Việt Nam sang học tại các cơ sở đào tạo để lấy chứng chỉ quốc gia về chăm sóc người cao tuổi của CHLB Ðức. Học viên được hưởng học bổng và có chỗ ở miễn phí. Những người đạt chứng chỉ quốc gia sẽ được yêu cầu làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong thời gian ba năm, với mức lương từ 1.800 ơ-rô đến 2.000 ơ-rô/tháng... Sau thời gian này, điều dưỡng viên có thể tiếp tục làm việc tại các cơ sở chăm sóc của CHLB Ðức hoặc trở về nước làm việc.
Các ứng viên đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ðịa chỉ: 44B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; thời gian từ ngày 14-1 đến hết ngày 4-2-2013. Người lao động có thể tham khảo thêm trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: www.dolab.gov.vn; www.molisa.gov.vn.
* Thành lập Hội Phụ nữ cơ quan chuyên trách T.Ư Hội LHPN Việt Nam
Chiều 9-1, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Hội Phụ nữ cơ quan chuyên trách T.Ư Hội LHPN Việt Nam, đơn vị cấp cơ sở trực thuộc Ðoàn Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam.
Theo điều lệ, cán bộ Hội chuyên trách các cấp là hội viên đương nhiên của Hội. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ như quy định của Ðiều lệ Hội với vai trò là hội viên, có ý thức trách nhiệm cao, gương mẫu trong mọi hoạt động của Hội, hội viên là cán bộ Hội chuyên trách còn có trách nhiệm làm tốt công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan chuyên trách là thành viên các Hội đồng, các Ban Chỉ đạo của cơ quan.
Việc thành lập tổ chức Hội trong cơ quan chuyên trách là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, rút kinh nghiệm và đề xuất thành lập bộ phận chuyên trách trong Ðảng ủy khối các cơ quan T.Ư và nhân rộng mô hình thành lập trong cơ quan, đơn vị, tổ chức khác khi có điều kiện.
* 3.800 chiếc chăn len tặng nhân dân 17 tỉnh phía bắc
Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh miền bắc, ngày 9-1, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuyển 3.800 chiếc chăn len trị giá gần 310 triệu đồng tặng 17 tỉnh gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Ðiện Biên, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ðồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành Hội quyên góp chăn ấm, quần áo ấm ủng hộ đồng bào thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ nơi đang chịu ảnh hưởng nặng bởi đợt rét đậm, rét hại và lưu ý các tỉnh, thành Hội cần kiểm tra kỹ về chất lượng, phân loại, đóng gói; liên hệ trực tiếp các tỉnh bị ảnh hưởng để phối hợp trao tặng.
* Phấn đấu giảm tội phạm hình sự cả về tính chất và quy mô
Sáng 9-1, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an) tổ chức tổng kết công tác năm 2012 và triển khai chương trình công tác năm 2013. Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Công an dự.
Năm qua, lực lượng cảnh sát hình sự đã chủ động thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp công tác phòng, chống và trấn áp tội phạm hình sự. Qua đó, đã kiềm chế mức độ gia tăng của tội phạm hình sự; tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 73,4%, những vấn đề nổi về tội phạm hình sự, tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"... được khám phá, bóc gỡ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Năm 2013, lực lượng cảnh sát hình sự tiếp tục thực hiện phương châm công tác "kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả", triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức; tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án; tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, giết người...