Phong tục tập quán, vốn văn hóa văn nghệ dân gian vùng biển Bình Ðịnh rất phong phú, đa dạng. Vị trí biển Bình Ðịnh và cảng Quy Nhơn không những có nhiều nét văn hóa hấp dẫn cần được nghiên cứu, gìn giữ, phát huy mà hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển vùng trọng điểm kinh tế miền trung.
Nếu không kể các đường bờ của hải đảo, bán đảo, tỉnh Bình Ðịnh có khoảng 134 km bờ biển. Do ảnh hưởng nhô ra của các dãy núi, cũng như khí hậu và tác động của các quá trình thủy văn động lực của biển, đủ tạo nên sự phức tạp của vạch bờ, đồng thời cũng tạo nên nhiều đầm, phá ven biển như: Ðầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Mỹ Khánh, đầm Thị Nại và phá Công Khanh. Các đầm, phá được ngăn cách với biển bởi các doi cát hoặc các dãy núi thấp và trao đổi nước với biển thông qua các cửa rất hẹp. Dạng địa hình đầm, phá sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể nếu được chú ý nghiên cứu đầu tư vào việc nuôi trồng, khai thác các nguồn lợi thủy, hải sản. Với sự tác động của các quá trình tự nhiên đã tạo cho bờ biển Bình Ðịnh có nhiều vẻ đẹp hùng vĩ và nhiều đầm, phá, có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch, nuôi trồng thủy, hải sản. Dọc bờ biển Bình Ðịnh có các cửa biển: Tam Quan, An Dũ, Hà Ra, Ðề Gi và cửa Quy Nhơn. Dọc ven bờ biển Bình Ðịnh có 32 hải đảo lớn nhỏ, trong đó có mười cụm hải đảo, đáng lưu ý là đảo Cù Lao Xanh. Cù Lao Xanh có vai trò quan trọng về kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Nơi đây có nhiều dân cư sinh sống, có cảng cá khá lớn, là nơi ra vào của tàu, thuyền đánh cá và tránh bão thuận lợi. Trong điều kiện kinh tế phát triển, Cù Lao Xanh có thể trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Cửa Tam Quan (Kim Bồng) là nơi bắt đầu của bờ biển Bình Ðịnh. Từ Kim Bồng chạy vào, bờ biển thấp và toàn cát. Ði thêm một đoạn vài cây số nữa thì đến cửa An Dũ. Cửa biển này rất dễ bị cát bồi lấp. Qua khỏi cửa An Dũ (Hoài Nhơn) vào Phù Mỹ, núi Bích Khê chạy sát biển nên nhiều nơi: 'Chờn vờn mặt nước cây toan lội - Lấp lửng chân non sóng muốn trèo'.
Gần về phía nam huyện Phù Mỹ là cửa biển Hà Ra. Cửa biển thông vào đầm Trà Ổ. Ngoài khơi, trước cửa Hà Ra có một hòn đảo nhỏ giống hình con rùa bò, tục gọi là Hòn Quy, như một nét son tô điểm cho gương mặt cửa biển này. Từ Hà Ra vào đến Vĩnh Lợi thuộc xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, trừ Hòn Vi Rồng thuộc thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ và Hòn Lang (Vĩnh Lợi) thì tất cả đều là bãi cát trắng bằng phẳng. Truyền thuyết rằng trước kia vùng đất này từng là rừng cây sau một đêm giông bão đã trở thành bãi cát trắng. Xuôi về phía nam cửa Hà Ra là đến cửa biển Ðề Gi thuộc huyện Phù Cát. Ðề Gi thông với đầm Nước Ngọt về phía tây, phía xa là Hòn Lang làm cánh cửa phía bắc, mũi đất Ðề Gi làm cánh cửa phía nam. Ðề Gi nhờ có cửa ở phía đông và chợ ở phía tây, tục gọi là chợ Gành mà trở thành một nơi đô hội phồn thịnh. Ngay trước cửa biển có mấy hòn đảo nhỏ gọi là Hòn Trâu. Không biết có phải nhóm đảo mà dân gian đã truyền rằng: Nối liền một dải với cửa Ðề Gi là cửa biển Cách Thử, một vùng đầy cát trắng. Trước kia cửa biển này lưu thông với đầm Thị Nại ở phía nam nhưng giờ chỉ còn là vùng đất trồng dương liễu vi vu làm bờ chắn xâm thực của biển vào đất liền.
Bán đảo Phương Mai và đầm Thị Nại vốn đã đẹp nay lại càng trở nên có sức sống nhờ cây cầu vượt biển nối thành phố Quy Nhơn và bán đảo. Cây cầu như một chất xúc tác góp phần phát triển khu kinh tế Nhơn Hội. Không chỉ đơn thuần là một tuyến giao thông mà cầu Thị Nại đã tô điểm cho vẻ đẹp nên thơ của đầm Thị Nại, là nét chấm phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Ðịnh...
Một đường ven biển kéo dài đã làm cho Bình Ðịnh không chỉ phong phú về địa hình mà còn tạo nên nhiều nét văn hóa biển đặc sắc, nhiều làng nghề đánh bắt hải sản xa bờ, nhộn nhịp những buổi chiều thuyền về. Ðó còn là cơ sở nguồn cội cho tín ngưỡng văn hóa biển, phản ánh đời sống tinh thần của ngư dân. Có thể nói, truyền thống văn hóa biển, về lối sống của cộng đồng cư dân ven biển, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản, nếp ứng xử của ngư dân Bình Ðịnh với biển cả cho tới nay đã có nhiều vấn đề đang được nghiên cứu, làm sáng tỏ, nhằm định hướng gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của một vùng văn hóa đặc sắc.