Biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 10-2020 đã lan tới ít nhất 62 quốc gia.
Liên quan đến biến thể Delta, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự lây nhiễm tăng đáng kể và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo sự bùng phát liên quan đến biến thể này”. WHO nhấn mạnh, nghiên cứu thêm về biến thể Delta đang là ưu tiên cao độ của tổ chức này.
WHO cho biết, biến thể P.1 (tên gọi mới: Gamma) lần đầu được phát hiện trong du khách từ Brazil nhập cảnh vào Nhật Bản đã lan tới 64 quốc gia.
WHO đã đổi tên của biến thể lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ thành Delta nhằm đơn giản hóa tên khoa học của nó (B.1.617.2). Hệ thống đặt tên mới cho các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp có mục đích tránh kỳ thị các quốc gia phát hiện biến thể mới.
Dù số ca mắc mới trên toàn cầu trong tuần qua đã giảm 15% song làn sóng dịch bệnh vẫn đang tàn phá châu Á và châu Phi.
Theo Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ngay cả các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang chứng kiến số ca mắc mới tăng lên trong 1-2 tuần vừa qua, do đó “chưa có ai thoát khỏi nguy hiểm”.
Giải thích về một số đợt bùng phát gần đây, Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho rằng, nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội, dịch chuyển xã hội gia tăng, các biến thể và phân phối vaccine không công bằng là sự kết hợp rất nguy hiểm.
Theo báo cáo tuần của WHO, khu vực Tây Thái Bình Dương đang ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Khu vực này đã ghi nhận hơn 139 nghìn ca mắc trong tuần qua, tăng 6% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, Myanmar là quốc gia báo cáo nhiều ca mắc mới nhất, với 53.419 trường hợp trong tuần qua. Trong khi đó, với 776 ca tử vong, Philippines là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất.