Năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Hằng luôn năng động với công việc như hồi còn trẻ. Là người dân vùng đất ven sông, thấy đất bỏ hoang lãng phí, năm 2004, bà nhận thầu gần 7,4 ha làm mô hình chăn nuôi, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An.
Bà đã triển khai nhiều mô hình đầu tư khác nhau, trong đó phải kể đến thành công của mô hình nuôi ngựa bạch. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, bà Hằng đã lai tạo giống ngựa bạch của các tỉnh miền núi Việt Nam với ngựa bạch Tây Tạng để cho ra giống ngựa bạch tốt hơn. Thành công này đã đưa Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An trở thành địa chỉ cung cấp ngựa bạch giống lớn cho các trang trại của cả nước.
Cùng với việc phát triển chăn nuôi, bà đã phối hợp Trung tâm Chuyển giao công nghệ thú y (Hội Thú y Việt Nam), Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Thú y chăn nuôi Việt Nam... nghiên cứu phát triển những loại thực vật có giá trị kinh tế cao như: Nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi đỏ, các loại cây dược liệu...
Bà Hằng chia sẻ: “Nhìn trang trại bây giờ ít ai biết rằng, trước đây, vùng đất bãi này vốn hoang hóa ít người qua lại. Tôi cùng anh em công nhân đã khai phá để cải tạo vùng đất ven sông Hồng này thành một trang trại kinh tế tổng hợp như ngày nay”. Năm 2013, khi ngành giáo dục đẩy mạnh việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhận thấy mô hình trang trại của mình có thể trở thành trang trại sinh thái, du lịch trải nghiệm cho học sinh, bà đã xây dựng trang trại thành mô hình Khu du lịch trải nghiệm sinh thái Vạn An và liên kết với các công ty lữ hành, đón khách, nhất là các em học sinh.
Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 10 km, trang trại Vạn An hiện là địa điểm lý tưởng được các em nhỏ và du khách yêu thích bởi nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn. Tại đây, các em học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế về hoạt động nông nghiệp, tìm hiểu đời sống các loài vật nuôi...
Những hoạt động này giúp học sinh hiểu biết về cuộc sống nông thôn, tầm quan trọng của nông nghiệp với đời sống và sự phát triển của đất nước. Ngoài ra, học sinh còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: Đua bè gỗ vượt chướng ngại vật, bắt cá bằng nơm, sơ chế và nướng cá, thử tài nấu cơm bằng bếp củi...
Nhờ đó, khu du lịch sinh thái thu hút nhiều học sinh đến tham quan, trải nghiệm; mang lại việc làm cho nhiều sinh viên và người lao động địa phương, trong đó có cả những thương binh, bệnh binh, người tàn tật. Ngoài tiền lương, trang trại còn hỗ trợ chỗ ăn, ở cho người làm công có hoàn cảnh khó khăn.
Với sự nỗ lực phấn đấu, lao động không mệt mỏi, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hằng đã nhiều lần được trao tặng danh hiệu Hộ Nông dân kinh doanh giỏi cấp thành phố và vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba năm 2020.