Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Những năm gần đây nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk luôn tăng trưởng khá, số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định xã hội. Chỉ tính năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 1.177 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 13 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp toàn tỉnh lên 8.975, đạt 106% so kế hoạch đề ra và tăng 8,6% so năm 2018; thu hút 54 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 12 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao Bản ghi nhớ cho 19 nhà đầu tư với 27 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 57 nghìn tỷ đồng; trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 14,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức một số hình thức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan như Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan cũng chủ động tổ chức đối thoại với doanh nghiệp… Cũng trong năm 2019, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp 66 kiến nghị của doanh nghiệp để lãnh đạo tỉnh giải quyết tháo gỡ khó khăn…
Tại hội nghị, nhiều chủ doanh nghiệp đã phản ảnh với Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk về những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Sơn đến từ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đắk Lắk đề nghị: Tỉnh cần có những chính sách công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận để tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới thành lập, trong khi đó hệ thống văn bản pháp lý của Nhà nước liên tục thay đổi ảnh hưởng đến hoạt động, do đó các ngành chức năng của tỉnh cần hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời về mặt pháp lý để hoạt động đúng pháp luật.
Trong khi đó ông Trần Thế Châu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Nhân An, huyện Krông Pắk cho rằng: Hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thiếu vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, việc các HTX tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn là hết sức khó khăn, do đó các HTX không mở rộng sản xuất được. Cũng theo ông Châu, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở bán giống cây trồng, nhưng không được cơ quan chức năng quản lý chất lượng cây giống. Do đó, nguy cơ doanh nghiệp, người dân mua giống cây trồng không bảo đảm chất lượng, lây lan dịch bệnh là rất cao.
Doanh nghiệp đặt câu hỏi với Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã thẳng thắn đối thoại, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh chưa hấp dẫn; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thông thoáng; nhiều tiềm năng, lợi thế lớn của tỉnh như đất đai, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển du lịch, năng lượng tái tạo… chưa được quan tâm khai thác; thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu minh bạch; chi phí thuê đất đai còn cao; khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh; nguồn nhân lực lao động của tỉnh tay nghề còn thấp…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định vai trò to lớn của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nêu rõ những chính sách của Đảng, Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động ngày một hiệu quả. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, cơ chế, chính sách mang tính đặc thù. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng thông tin những định hướng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời giải đáp các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp; định hướng và kế hoạch của tỉnh Đắk Lắk về thu hút đầu tư, lĩnh vực đầu tư trọng điểm trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh trên cơ sở các quy định của Đảng, Chính phủ và pháp luật, cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của địa phương và nhanh chóng tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp phản ảnh, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tỉnh ủy sẽ tiến hành giám sát ý kiến trả lời và cam kết của các ngành chức năng với doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại này.