Hơn 340 nghìn người hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp

NDO -

Tính tới ngày 5/7, có hơn 340 nghìn người hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp.

Hơn 340 nghìn người hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sáu tháng đầu năm 2021 là giai đoạn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát hai đợt dịch thứ ba và thứ tư. Dịch bệnh tác động tiêu cực đến công tác thu, phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thống kê tới thời điểm 5/7, cả nước ước có 16,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 32,49% lực lượng lao động. Có 340.289 người hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp. 

Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 195.143 tỷ đồng, đạt 45,23% kế hoạch Chính phủ giao năm 2021.

Tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 21.194 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% so với số phải thu.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tuy tăng hơn cùng kỳ 2020, nhưng giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Con số tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13,2 triệu người, đạt 26,64% lực lượng lao động, giảm hơn 69,8 nghìn người so với cuối năm 2020.

Từ nay đến cuối năm, cần phải phát triển hơn 973 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp để đạt mục tiêu của năm 2021.

Để phù hợp với diễn biến dịch Covid-19, ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử. Đến hết tháng 5/2021, công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 4.116 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian. Số tiền phải truy đóng là hơn 23,86 tỷ đồng; 11.085 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 16,61 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã khắc phục là 451,82 tỷ đồng.

Cơ quan này cũng cho hay, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị. Cụ thể như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Ngoài ra, từ ngày 15-5, định mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được tăng theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg.

Cụ thể, với người tham gia khóa đào tạo nghề đến ba tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người mỗi khóa đào tạo.
Với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người một tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

Ngay đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, có thêm chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động một tháng, thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng. Đây là số tiền hỗ trợ cao hơn so với quy định trong Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ở trên.

Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc có tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết 30/6/2022.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp gồm bốn chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ mang lại những lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động.

Lao động và việc làm