Bếp 0 đồng phục vụ chống dịch Covid-19

NDO -

Đồng hành với lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ khó khăn với người dân những nơi bị phong tỏa, khắp nơi trên địa bàn Phú Yên xuất hiện hoạt động những bếp ăn từ thiện 0 đồng, góp phần cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bếp nhà từ tâm (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) mỗi buổi nấu từ 150 đến 200 suất ăn cho lực lượng tuyến đầu. (Ảnh: TTXVN)
Bếp nhà từ tâm (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) mỗi buổi nấu từ 150 đến 200 suất ăn cho lực lượng tuyến đầu. (Ảnh: TTXVN)

Dịch Covid-19 xuất hiện ở Phú Yên đã gần 2 tháng (từ 23/6), việc áp dụng các nguyên tắc giãn cách xã hội kéo dài, riêng thành phố Tuy  Hòa đã thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hơn 30 ngày và còn kéo dài đến 25/8.

Trong điều kiện đó, tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương phải có phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm để phục vụ cho người dân chống dịch. Đồng hành với lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ khó khăn với người dân những nơi bị phong tỏa, khắp nơi trên địa bàn Phú Yên xuất hiện hoạt động những bếp ăn từ thiện 0 đồng, góp phần cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bếp 0 đồng phục vụ chống dịch Covid-19 -0
 Bếp nhà từ tâm trao tặng cơm cho CDC Phú Yên. (Ảnh: TTXVN)

Bà Lê Đào An Xuân Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cho biết, gần 2 tháng qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng được 61 bếp ăn 0 đồng, nấu được 132.107 suất cơm và 6.988 suất ăn giữa giờ. Mỗi bếp ăn mỗi ngày, các hội viên phụ nữ thay nhau, phục vụ khoảng từ 70 đến 120 suất ăn. Hàng trăm suất ăn mỗi ngày do các chị nấu lên được chuyển đến hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa...

“Nguồn lực để thực hiện bếp ăn này, ngoài hỗ trợ của địa phương còn có thêm nguồn ủng hộ trong cán bộ, hội viên phụ nữ và xã hội hóa. Các chị em ai cũng nhiệt tình, cố gắng nấu những suất cơm sạch sẽ, đủ dinh dưỡng. Các bếp ăn này sẽ tiếp tục duy trì để lo phần nào các bữa ăn phục vụ hoạt động chống dịch  tùy theo tình hình thực tế”, bà Lê Đào An Xuân nói.

Anh Phạm Ngọc Mến, chủ Bếp nhà từ tâm của Câu lạc bộ Chuyến xe yêu thương, thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đã hoạt động hơn 1 tháng qua, cung cấp mỗi bữa từ 150 đến 200 suất suất ăn cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên và các chốt phong tỏa tại thành phố Tuy Hòa.

Bếp 0 đồng phục vụ chống dịch Covid-19 -0
 Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã xây dựng được 61 bếp và nấu được 132.107 suất cơm cho bệnh nhân nghèo. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, Câu lạc bộ Chuyến xe yêu thương đã hỗ trợ nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Phú Yên, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Anh Phạm Ngọc Mến, chủ Bếp nhà từ tâm, chia sẻ: “Để bếp ăn này được duy trì với những bữa ăn đạt chất lượng là nhờ sự ủng hộ, đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, người góp gạo, dầu ăn, gia vị; có người khác nhận hỗ vật tư than củi  thường  xuyên… Theo dự định, thời gian tới, chúng tôi cố gắng mở rộng thêm các khẩu phần ăn cho những người nghèo không chỉ ở thành phố Tuy Hòa mà ở các địa bàn khác, góp phần nhỏ cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh…”.

Có thể nói, những bếp ăn 0 đồng đã thiết thực góp phần làm ấm lòng nhiều người trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, nhất là lực lượng đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch.

Anh Lương Văn Bình, cán bộ trực chốt tại vùng dịch xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, xúc động nói: “Được ăn những bữa cơm do các anh, các chị nấu đem tới, chúng tôi cảm giác như những bữa cơm gia đình, thêm phần an tâm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hiện nay còn nhiều và rất nhiều những hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội khác cũng đang ngày đêm tận tụy với những công việc mang nặng tình người, nấu những bữa cơm ngon phục vụ cho nhiều đối tượng.

Đặc biệt, từ ngày từ 28/7 đến nay, Phú Yên tổ chức đưa hơn 4.000 công dân không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê.

Theo quy định, người về các địa phương sẽ cách ly tập trung một thời gian. Tại những nơi cách ly, họ được chính quyền các địa phương bố trí ăn ở, theo dõi sức khỏe. Để sẻ chia với họ, nhiều mô hình bếp ăn thiện nguyện được thành lập ở các  địa phương.

Tại khu cách ly của huyện miền núi Sơn Hòa, hiện có 400 người đang tập trung, đội hoạt động xã hội tình nguyện của huyện Sơn Hòa đã triển khai mô hình bếp ăn tình thương. Anh Nguyễn Thành Việt, tình nguyện viên của huyện Sơn Hòa cho biết, dịch Covid-19, nhiều người mất việc, khó khăn nên họ mới về quê, chính vì vậy, các bếp này lo góp  bữa ăn để cùng chia sẻ với đồng bào.

Bếp 0 đồng phục vụ chống dịch Covid-19 -0
 Những bữa cơm được hỗ trợ có đầy đủ chất dinh dưỡng. (Ảnh: TTXVN)

Với sự chung tay của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, các nhóm chị em phụ nữ, giáo viên, tình nguyện viên được huy động để nấu, chế biến món ăn. Đến nay, các bếp ăn từ thiện trên địa bàn huyện Sơn Hòa đã cung cấp cho các khu cách ly tự nguyện tại cộng đồng hơn 8.000 suất ăn sáng, trưa, tối, phục vụ hàng trăm người đang cách ly chống  dịch.

Cảm động trước nghĩa cử của quê hương, anh Nguyễn Ngọc Tứ người dân xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa vừa trở về từ tỉnh Bình Thuận, tâm sự: “Dịch bệnh lây lan, được tỉnh đón về miễn phí, an toàn. Khi về đến địa phương, tiếp tục được hỗ trợ chỗ ở và lo ăn ngày 3 bữa, bản thân và gia đình yên tâm hơn trong việc phòng dịch Covid-19”.

Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, tại bà con từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê khi tự nguyện thực hiện cách ly với cộng đồng đều không phải lo chi phí ăn, ở. Có được điều này là nhờ sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Đây cũng là tình cảm, sự chia sẻ khó khăn của người dân địa phương với nhau, cùng giúp nhau vượt qua đại dịch.

Ủng hộ phòng chống dịch Covid-19