Bệnh viện Da liễu Trung ương phản hồi việc kê đơn thực phẩm chức năng

NDO -

Ngày 18-9, ông Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương đã trao đổi thông tin với báo chí chung quanh vấn đề có hay không việc kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc điều trị.  

Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương cung cấp thông tin cho báo chí.
Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương cung cấp thông tin cho báo chí.

Vừa qua, báo chí có phản ánh về việc bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có được kê đơn thuốc điều trị cùng đơn hỗ trợ có thực phẩm chức năng trong cùng một đơn. 

Ông Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thông tin báo chí phản ánh là đơn thuốc kê tay của bác sĩ cho bệnh nhân. Về nguyên tắc, việc kê đơn đó là sai.

"Theo đúng quy trình, bệnh nhân đến bệnh viện phải đăng ký tên, có mã số bệnh nhân và khi bác sĩ kê đơn, toàn bộ đơn thuốc của hệ thống bệnh viện là bản in”, BS Doanh cho biết. 

Khi sự việc được báo chí phản ánh, với vai trò là cơ quan quản lý, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã yêu cầu bác sĩ khám cho bệnh nhân giải trình và áp dụng đúng quy định xử lý của bệnh viện khi bác sĩ vi phạm hoạt động khám, chữa bệnh là kê đơn thuốc không theo đúng yêu cầu. 

Cung cấp thêm thông chi báo chí, BS Doanh cho biết, ngày 2-5-2016, bệnh viện đã có quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, thực hiện theo Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29-2-2016 của Bộ Y tế. 

Theo quy định, bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng (TPCN) và mỹ phẩm vào đơn thuốc. Tuy nhiên, do đặc thù của chuyên ngành da liễu, việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm... rất quan trọng trong việc phối hợp điều trị và phòng ngừa các đợt tái phát, bùng phát bệnh và đã được đưa vào phác đồ hướng dẫn điều trị nhiều bệnh da liễu như: bệnh viêm da cơ địa, vảy nến, á vảy nến, viêm da dầu, các bệnh lý về móng và tóc... cả ở Việt Nam và trên thế giới. 

Ngoài ra, một số sản phẩm dùng tại chỗ như dầu gội trị gầu, dầu gội chống rụng tóc, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, các sản phẩm bôi tại chỗ điều trị tăng giảm sắc tố da... đều là các sản phẩm hỗ trợ tích cực trong điều trị nhiều bệnh da như trứng cá, viêm da dầu, rụng tóc, viêm da tiếp xúc, rám má, sạm da, bạch biến... 

Hiện tại các sản phẩm này được xếp vào danh mục mỹ phẩm theo quy định của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vì vậy, bác sĩ có thể kê các sản phẩm này cho người bệnh. 

Tuy nhiên, các sản phẩm này không được đưa vào đơn thuốc mà phải chuyển sang phiếu tư vấn, đồng thời bác sĩ có giải thích, tư vấn cho người bệnh về tác dụng của các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị. 

Về việc kê TPCN được quy định cũng được thực hiện theo quy định của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế như: các vitamin, khoáng chất, yếu tố vi lượng... có tác dụng hỗ trợ điều trị cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc không đưa vào đơn thuốc mà đưa vào phiếu tư vấn; đồng thời tư vấn cho người bệnh về tác dụng của các sản phẩm trong việc hỗ trợ điều trị. 

Để minh bạch trong việc kê đơn thuốc và TPCN, bệnh viện đã thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và quy định kê đơn thuốc và TPCN, dược mỹ phẩm được tách riêng biệt thành hai phiếu.

Đồng thời bệnh viện cũng thông báo chi tiết ở mặt sau các phiếu tư vấn, khuyến cáo người bệnh “cần đọc kỹ phiếu tư vấn và hỏi bác sĩ nếu chưa hiểu về tác dụng của các sản phẩm để yên tâm và đảm bảo hiệu quả điều trị”.

Từ năm 2016 đến nay, các bác sĩ tại bệnh viện đều được tập huấn kê đơn thuốc ngoại trú trong đó cả kê thuốc điều trị và đơn thuốc hỗ trợ phải riêng đơn và phải tư vấn cho người bệnh về hai đơn này.