Khoảng 17 giờ chiều 25-8, bệnh nhi N.T.H., 11 tuổi, ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng đau tức ngực nhiều, tỉnh chậm, kích thích nhiều, mạch nhanh nhỏ, tiếng tim mờ, huyết áp thấp (60/40 mmHg), phổi hai bên thông khí tốt, tĩnh mạch cổ nổi...
Kết quả siêu âm tại giường, phát hiện có dịch màng tim dày 19mm gây chèn ép tim cấp, X.quang ngực tại giường thấy bóng tim to. Bệnh nhân đã được kíp trực chẩn đoán Hội chứng chèn ép tim cấp/chấn thương tim, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao và chuyển thẳng phòng mổ để phẫu thuật.
Ngay lập tức, bệnh nhân được gây mê nội khí quản. Trước đó, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân sẽ bị mất máu cấp tính, mất máu nhiều trong mổ nên chuẩn bị bốn đơn vị hồng cầu khối và bốn đơn vị huyết tương tươi đông lạnh cùng nhóm máu của bệnh nhi để sẵn sàng ứng cứu.
Theo bác sĩ CKII Ngô Mạnh Tuyến, Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Trưởng kíp mổ bệnh nhi cho biết, thông thường, một kíp mổ có từ 2 - 3 bác sĩ, riêng với ca phẫu thuật đặc biệt hiếm gặp này, có đến năm bác sĩ cùng tham gia.
Tại phòng mổ, khi mở khoang màng tim giải phóng chèn ép tim, thấy có rất nhiều máu đỏ sẫm kèm theo máu cục trong khoang màng tim. Khi mở vào khoang màng tim, lấy ra được khoảng 300ml máu đỏ sẫm lẫn máu cục và phát hiện một vết rách vùng tâm nhĩ phải dài khoảng 1,5cm, phun máu ồ ạt. Kíp phẫu thuật phải nhanh chóng kiểm soát và khâu vết thương. Rất may mắn, trong quá trình mổ, quả tim đập đều, không bị ngừng tim.
Sau mổ, tình trạng bệnh nhi ổn định, mạch 100 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, chỉ số SpO2 đạt 100%.
Theo các y, bác sĩ, chấn thương tim là bệnh lý hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời. Với ca bệnh này, nguy cấp đến từng phút, không có thời gian để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bởi nguy cơ bệnh nhân tử vong trên đường là rất cao.
Nguyên nhân thường gặp là do lực tác động nhanh và mạnh vào khoang lồng ngực khiến quả tim bị ép mạnh gây ra vỡ. Khi quả tim bị vỡ thì một lượng máu sẽ chảy ra khoang màng tim chèn ép vào quả tim, làm quả tim không thể co bóp được, từ đó sẽ làm giảm lượng máu đi nuôi cơ thể gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Việc cấp cứu kịp thời ca chấn thương tim hiếm gặp không chỉ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân mà còn khẳng định năng lực chuyên môn ngày càng vững chắc, đặt những viên gạch đầu tiên trong định hướng phát triển sâu các kỹ thuật phẫu thuật tim mạch ở bệnh viện tuyến đầu của tỉnh.
Hiện tại, bệnh nhi H. đang tiếp tục được điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh – Lồng ngực, không sốt, tự đi lại được, ăn uống tốt, vết mổ khô, dự kiến ra viện trong tuần tới.