Theo bác sĩ Việt, ngay khi xảy ra tình trạng thiếu thuốc Bảo hiểm y tế với người ghép thận, Giám đốc bệnh viện đã xác định đây là tình trạng khẩn cấp. Ban giám đốc đã triệu tập Hội đồng khoa học kỹ thuật, Hội đồng thuốc điều trị, hệ thống đấu thầu và các bộ phận liên quan, tìm phương án giải quyết để có thuốc sớm nhất.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã mua vượt 20% với 1 trong số các loại thuốc bị thiếu, 4 loại còn lại được tổ chức mua sắm theo hình thức chỉ định thầu. Sau đó, tiến hành đấu thầu rộng rãi theo quy định. “Đến giờ phút này, chúng tôi đã giải quyết được tình trạng thiếu thuốc chống thải ghép. Từ nay về sau sẽ đủ thuốc cho người bệnh Bảo hiểm y tế”, bác sĩ Việt khẳng định.
Ngoài ra, với những bệnh nhân đã phải mua thuốc bên ngoài với chi phí rất cao, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội để có hướng giải quyết quyền lợi chính đáng cho người bệnh. Đồng thời, Phòng Công tác xã hội hỗ trợ chi phí đối với người ghép thận là bệnh nhân nghèo hoặc cận nghèo trong thời gian bệnh viện hết thuốc.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt cũng cho biết, việc mua sắm thuốc trong cơ sở y tế công lập phải thực hiện theo các hình thức đấu thầu theo quy định. Thỉnh thoảng có xảy ra một số trường hợp khách quan, thuốc không trúng thầu được. Ví dụ không có đơn vị tham gia đấu thầu, đấu thầu không đạt do hồ sơ hoặc vượt giá…
Khi đó Bệnh viện cũng không thể cung ứng được thuốc theo quy định và người bệnh Bảo hiểm y tế phải đi mua bên ngoài. “Trước năm 2018, Bảo hiểm xã hội có thanh toán lại trực tiếp cho người bệnh. Sau đó, thay đổi thành Bệnh viện Chợ Rẫy thanh toán cho người bệnh và Bảo hiểm xã hội thanh toán lại với bệnh viện. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ quan Bảo hiểm không thực hiện việc này nữa”, bác sĩ Việt nói.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng thiếu thuốc thải ghép cho bệnh nhân tham gia Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Một số bệnh nhân đến lịch tái khám phải mua thuốc này ở bên ngoài với chi phí rất cao, lên đến hàng triệu đồng.
Thuốc chống thải ghép là thuốc phải dùng suốt đời với người ghép tạng. Các thuốc trên thuộc nhóm thuốc đàm phán giá quốc gia, do đó phụ thuộc vào công tác đấu thầu thuốc.