Bệnh trầm cảm sau sinh

Triệu chứng

- Sản phụ thấy lo lắng, trầm lặng, rất mệt mỏi, ăn ngủ thất thường, khó tập trung trí nhớ, luôn cảm thấy mình có tội, xấu hổ, cáu gắt,tuyệt vọng.

- Có ý nghĩ hoặc có kế hoạch hành động tự tử.

- Sút cân.

- Luôn luôn có những ý nghĩ hoặc hành động ám ảnh.

- Sợ ra khỏi nhà.

- Sợ chính bản thân, sợ con, sợ người thân...

Nguyên nhân: thường do nhiều yếu tố phối hợp.

- Có tiền sử về bệnh tâm thần.

- Lối sống cá biệt như: hay buồn phiền, lo lắng, quá nhạy cảm...

- Quan hệ gia đình không được bình thường.

- Tâm trạng căng thẳng trong xã hội (khó khăn về kinh tế, nơi làm việc...).

- Những thay đổi về sinh lý như: thay đổi nội tiết, mệt mỏi trong lúc mang thai hay khi sinh đẻ...

Những chỉ số báo trước có thể làm cho bệnh tăng lên

Chỉ số trước khi sinh

- Có hội chứng nặng trước mỗi lần hành kinh (như cáu gắt, buồn rầu, đau đầu...).

- Có những khủng hoảng của các lần có thai trước như: sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, con chết...

- Có những khó chịu với những người trong gia đình như: cha mẹ, anh chị, chồng con...

- Hoàn cảnh túng thiếu, không được sự giúp đỡ của ai.

- Có dấu hiệu tâm thần trong lúc mang thai.

- Có tiền sử gia đình hoặc bản thân bị bệnh tâm thần.

- Có những sự kiện làm căng thẳng cuộc sống như bị mất đi người thân, bản thân hoặc chồng con, cha mẹ, người thân bị ốm đau, di chuyển nhà ở, thay đổi công việc không thuận lợi...

- Lần có thai này ngoài ý muốn, hoặc những lần đẻ trước có những tai biến và biến chứng.

Những chỉ số liên quan tới lúc sinh:

- Khi sinh phải can thiệp bằng thủ thuật hay phẫu thuật.

- Trẻ đẻ ra bị tật nguyền hay ốm yếu.

- Quá trình sinh đẻ diễn ra hoàn toàn không được như sự mong đợi, thí dụ: hy vọng đẻ dễ dàng lúc sinh không phải can thiệp, sinh con không theo ý muốn...

Những chỉ số liên quan tới hành vi, tính tình của người mẹ và đứa trẻ sau sinh:

- Không muốn bế con.

- Không có những cảm nghĩ về con.

- Không ngắm nghía con.

- Ít ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

- Khó khăn khi cho con bú.

- Cáu gắt với mọi người.

- Hành vi lãnh đạm.

Cần lưu ý đến những chỉ số trên đối với một sản phụ mới sinh chứ không chỉ tập trung vào các chỉ số sức khỏe bình thường của mẹ và con. Chú ý đến tình trạng sức khỏe tâm thần của người mẹ để động viên và có hướng điều trị đúng là công việc quan trọng đối với những phụ nữ vừa vượt cạn. Cụ thể: cần chăm sóc và tư vấn tốt hơn trong giai đoạn mang thai; thực hiện tốt đỡ đẻ an toàn cho mẹ và con; Thực hiện tốt việc chăm sóc tại nhà trong 42 ngày sau sinh.

Xử trí và đề phòng

- Cần quan sát người mẹ về những hành vi đối với con và đối với những người chung quanh để tìm lý do.

- Giải thích cụ thể về những thay đổi không có lợi cho sản phụ.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người mẹ được nói chuyện tâm tình cởi mở về quan hệ của họ với gia đình, về hoàn cảnh sống...

- Giúp đỡ bà mẹ khi có những ý kiến lẫn lộn đối với con như: thất vọng, uất hận...

- Giúp đỡ bà mẹ thực hành cách chăm sóc cháu bé thông qua các nhóm phụ nữ, thanh niên..., giúp họ hiểu rõ sự chăm sóc của người thân.

- Nếu bệnh không giảm, cần gửi tới các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được điều trị.

Phòng bệnh

Giáo dục, kể cả truyền thông và tư vấn cho các bà mẹ trong thời gian mang thai. Nói cho họ biết phải làm gì để cho cuộc sống được thảnh thơi trong khi có thai và sau khi sinh, những tình huống có thể đến với họ để họ chuẩn bị cách đối phó, động viên họ bằng nhiều hình thức như đã vượt qua những khó khăn trước đây, giúp họ cách suy nghĩ mới về tương lai tốt đẹp của họ và con họ.

Bác sĩ Phạm Thị Minh Nguyệt