Trong khi số bệnh nhân tại thành phố bắt đầu giảm thì số ca mắc từ các tỉnh chung quanh đến khám và điều trị tại các bệnh viện của thành phố tiếp tục tăng mạnh trong 2 tuần qua.
Chỉ tính riêng tuần 43, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 255 ca, tăng 43% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 209 ca điều trị nội trú.
Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị cho tổng cộng 3.139 trường hợp sởi, trong đó 58% các trường hợp đến từ các tỉnh, cụ thể là số ca sởi tích lũy từ các tỉnh khác là 1.834 ca, bao gồm 1.607 ca nội trú (chiếm 61%) và 227 ca ngoại trú (chiếm 45%), đã 1 trường hợp tử vong.
Trong tuần 43, số ca mắc bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh là 112 ca, giảm 6% so với trung bình 4 tuần trước; trong đó, 82 ca điều trị nội trú (giảm 6,8%) và 30 ca điều trị ngoại trú (giảm 3,2%). Tích lũy từ đầu năm, số ca sởi trên địa bàn thành phố là 1.305 ca, gồm 1.033 ca nội trú và 272 ca ngoại trú, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi diễn ra đồng loạt tại hơn 310 điểm tiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh
Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã góp phần làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh trong độ tuổi này.
Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi, đặc biệt là nhóm từ 6-9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng (quy định tại thông tư 10/2024/TT-BYT), trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Từ đầu vụ dịch đến nay, số bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi là 315 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc. Theo báo cáo tại các bệnh viện có 146 ca sởi cần hỗ trợ hô hấp, trong đó có 36,3% (53/146) là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Đối với ca sởi có địa chỉ tại Thành phố cũng có 31,5% (17/54) là trẻ dưới 9 tháng tuổi. Như vậy nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi hiện đang là nhóm có khả năng mắc bệnh nặng cao. Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm người lớn và trẻ lớn từ 11 tuổi trở lên.
Theo Bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh sởi ở 19 tỉnh, thành phố phía nam đang gia tăng nhanh, tập trung vào nhóm trẻ em 1-10 tuổi. Hơn 50% số ca bệnh điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gây ra áp lực cho thành phố.
Điều này là nguồn tác nhân gây bệnh, khiến tỷ lệ ca mắc sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh duy trì ở mức ngang, không giảm nhanh như kỳ vọng dù thành phố đã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi từ sớm. Trong tháng 10, các tỉnh, thành phố phía nam đã lần lượt tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ nhỏ trên địa bàn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng tiêm vaccine sởi cho trẻ em nếu tiêm với tốc độ chậm, người bệnh sẽ vẫn đổ về Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ở các tỉnh lân cận, sởi đang lây lan mạnh cho trẻ em sống ở khu nhà trọ công nhân, còn phụ huynh không được tuyên truyền về bệnh. “Bài học quan trọng trong dịch sởi lần này là phải quyết liệt tổ chức tiêm vaccine đồng bộ, các tỉnh đều phải tham gia, tìm nguồn lực vaccine và tiêm chủng thật nhanh. Theo tôi, khâu đưa vaccine vào một chương trình quốc gia và đưa đến đối tượng tiêm chủng đang rất chậm vì nhiều thủ tục, quy định”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới trong nhóm dưới 9 tháng tuổi, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0", sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng khi 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.