Cơ quan y tế vùng Scotland (Anh) thông báo ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại xứ này. Vùng England của Anh đã ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh. Trước thông tin trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao bệnh dịch, để có thể kiểm soát và đưa ra các biện pháp phòng, chống ngay khi cần thiết.
Hiện ít nhất 15 nước trên thế giới ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 120 ca. Ðáng chú ý, nhiều nước không thuộc khu vực Tây và Trung Phi - vốn là nơi bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành. Ông Paul Hunter, Giáo sư y khoa của Trường Y Norwich thuộc Trường đại học East Anglia (Anh) cho rằng, dù ngày càng nhiều nước ghi nhận ca mắc nhưng bệnh đậu mùa khỉ ít có nguy cơ trở thành đại dịch như Covid-19.
Ngày 24/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa cần tiêm đại trà vắc-xin để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Richard Pebody, người đứng đầu nhóm chuyên trách về mầm bệnh có nguy cơ cao tại Văn phòng WHO châu Âu, nhấn mạnh các biện pháp chính để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ lây lan là truy vết tiếp xúc và cách ly.
Tuyên bố trên được ông Pebody đưa ra trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đang trong tiến trình nghiên cứu vắc-xin để ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người dân đề phòng bệnh đậu mùa khỉ, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh lây lan rộng.
Chính phủ Ðức thông báo đang đánh giá các phương án tiêm chủng, còn Anh đã tiêm chủng cho một số nhân viên y tế. Giới chức y tế tại châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 ca nghi mắc và được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ðây được coi là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng nhất bên ngoài châu Phi - nơi căn bệnh này là đặc hữu.