Thạc sĩ-Bác sĩ Nguyễn Bá Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Bình cho biết: Trung bình 1 tháng đơn vị khám cho khoảng 4.000 người, thì lúc cao điểm phát hiện từ 700 đến 1.000 người đau mắt đỏ.
Như trong ngày 17/9, tiến hành khám cho 80 người thì phát hiện gần một nửa mắc đau mắt đỏ. Thường những bệnh nhân không thấy dấu hiệu bội nhiễm thì tư vấn cách dùng thuốc, cách vệ sinh hằng ngày và cho về nhà.
Còn những bệnh nhân nguy cơ bội nhiễm nặng dần lên, khi khám thấy lan vào lòng đen thì yêu cầu điều trị nội trú tại bệnh viện. Biến chứng để lại trên giác mạc không nguy hiểm, tuy nhiên sẽ lâu khỏi hơn.
Đau mắt đỏ chưa có vaccine để điều trị, tuy nhiên phần lớn ít có biến chứng. Nếu biết cách điều trị tại nhà bệnh sẽ khỏi, đơn giản nhất là sử dụng nước muối rửa mắt; nếu viêm mạnh thì dùng kháng sinh chống viêm, tăng cường dinh dưỡng để hạn chế lây lan giác mạc.
Đau mắt đỏ là bệnh về mắt thường gặp với những biểu hiện đặc trưng ngứa, đỏ mắt, cộm… |
Bác sĩ Chiến khẳng định: Hiện nay, nhiều người có quan niệm nói chuyện là lây, nhìn nhau là lây nhưng đây là suy nghĩ không đúng.
Nếu biết cách vệ sinh (không động tay vào mắt, rửa tay sạch sẽ, không dùng chung chậu hay khăn mặt) thì trong gia đình 1 người mắc, các thành viên còn lại chưa chắc đã bị lây bệnh vì đau mắt đỏ chủ yếu lây qua đường trực tiếp.
Qua theo dõi, người bị đau mắt đỏ thường 1 tuần đến 10 ngày sẽ khỏi, người bị nặng có thể kéo dài đến 2 tuần.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi (trẻ em, người lớn), do đó cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát, tránh lây lan bệnh cho bản thân và những người chung quanh.