Bến Tre trữ nước ngọt thích ứng hạn mặn

Những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Địa phương đã phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức canh tác nhằm thích ứng hạn mặn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Sơn Định (huyện Chợ Lách) đào ao chứa nước ngọt trong mùa hạn mặn.
Người dân xã Sơn Định (huyện Chợ Lách) đào ao chứa nước ngọt trong mùa hạn mặn.

Khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, gia đình bà Phạm Thị Nhựt Linh, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm đã trữ một lượng lớn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi gần 20 con bò. Năm 2016, gia đình bà bị thiệt hại nặng nề do lúa chết, gia súc thiếu nước uống. Vì vậy, ngay năm sau, bà đã mua hai túi chứa nước (mỗi túi 14 m3) sử dụng trong mùa khô; đồng thời, chuẩn bị gần chục lu bằng xi-măng cũng chứa đầy nước mưa bảo đảm cho gia đình vượt qua mùa hạn mặn.

Bà Linh cho biết: “Năm nay dự báo xâm nhập mặn sẽ khốc liệt nên nhà nào ở đây cũng lo trữ nước ngọt để sử dụng. Gia đình tôi còn vét thêm ao chứa để cho bò uống, khi ao cạn sẽ sử dụng đến túi chứa và mấy lu nước trong nhà. Nhờ chủ động trữ nước ngọt từ sớm, sử dụng tiết kiệm nước nên đỡ phải lo thiếu nước vào mùa khô như trước đây”.

Từ năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt nhằm vận động mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 99% số hộ dân có đủ điều kiện, dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt. Người dân chủ động trữ nước bằng nhiều hình thức, phương tiện như:

Ống hồ, lu, túi chứa nước, trải bạt trữ nước trong ao mương, đắp đập cục bộ… góp phần giảm đáng kể tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô. Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức lễ phát động phong trào trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn 2023-2024; trong đó, kêu gọi hội viên tận dụng các dụng cụ sẵn có để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên; học tập, nhân rộng các mô hình, giải pháp hay về trữ nước ngọt có hiệu quả, sử dụng nước tiết kiệm, chống ô nhiễm nguồn nước tại các sông, kênh rạch… Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn cho biết: Những năm gần đây, xâm nhập mặn ở Bến Tre diễn ra sớm, sâu và kéo dài gây ra hậu quả hết sức nặng nề; thiếu nước ngọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre từng đối mặt đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh đã phát động hội viên, nông dân tập trung trữ nước ngọt; khuyến cáo hội viên, nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; thay đổi lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt…

Tại huyện Chợ Lách, vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái trọng điểm của tỉnh Bến Tre, người dân cũng chuẩn bị trữ nước ngọt để ứng phó hạn mặn. Gia đình ông Nguyễn Thành Tân, ngụ xã Vĩnh Thành chuyên trồng mai vàng bán trong dịp Tết phải đầu tư hơn 45 triệu đồng để xây dựng hai ao chứa nước ngọt nổi trên mặt đất. Ông Tân cho biết, vùng đất này từ xưa nổi tiếng nước ngọt quanh năm nhưng năm 2016 rồi đến năm 2020 bị nước mặn xâm nhập gây thiệt hại rất lớn cho hoa kiểng. Sau đó, hầu như nhà nào cũng làm ao chứa để có nước tưới trong mùa khô. Các mương vườn cũng được tận dụng để trữ nước ngọt.

Năm nay dự báo nước mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng nên người dân chuẩn bị ứng phó từ rất sớm.

Công tác xây dựng hệ thống đê bao thủy lợi gắn phát triển giao thông tại huyện Chợ Lách cũng được tăng cường. Đến nay, địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 364 km đê bao; nạo vét kênh, mương nội đồng với hơn 80,4 km. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động là 10.890 ha (đạt 92,39%). Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, thông báo cho người dân kịp thời khắc phục nếu có nước mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: Ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình dự báo mặn và triều cường từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn; đo mặn tại cửa sông chính nhằm có khuyến cáo đến người dân kịp thời về tình hình hạn mặn. Thời gian gần đây, người dân đã nâng cao nhận thức về việc tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp, đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách khoa học cho sản xuất trong điều kiện thiếu nước nhằm thích ứng với hạn mặn ngày càng gay gắt.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015- 2016; không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020. Do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn, khả năng xâm nhập mặn sẽ sớm vào các sông. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang phối hợp các địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó.