Bến Tre phát huy tinh thần Anh dũng Đồng khởi

NDO - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Bến Tre được tặng thưởng Cờ danh dự mang dòng chữ: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Gần 55 năm qua, người dân vẫn còn lưu giữ ký ức hào hùng và quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng năm xưa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 1968, Bến Tre được tặng thưởng cờ danh dự "Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy".
Năm 1968, Bến Tre được tặng thưởng cờ danh dự "Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy".

“Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”

Năm 1968, theo chủ trương chung của Đảng, quyết tâm của Tỉnh ủy Bến Tre trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân, quân và dân Bến Tre đã giáng một đòn bất ngờ, chí tử vào sào huyệt của chính quyền Mỹ-ngụy.

Sau hơn 8 tháng triển khai đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, quân dân Bến Tre đã giành thắng lợi to lớn. Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư điện khen thành tích chiến đấu của nhân dân Bến Tre.

Tháng 10/1968, tại Hội nghị du kích chiến tranh toàn miền nam lần thứ tư, Bến Tre được chọn là một trong 3 ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh. Đồng thời, được Bộ Chỉ huy Miền quyết định (số 409/QL ký ngày 2/9/1968) tặng thưởng Cờ danh dự mang dòng chữ “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”, người dân Bến Tre tự hào gọi là 8 chữ vàng.

Cuối năm 1968, Tỉnh ủy Bến Tre chọn khu vực Gò Nổi (nay thuộc ấp Giồng Đồng, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm) để tổ chức lễ đón nhận danh hiệu 8 chữ vàng cao quý “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Buổi lễ được tổ chức vào ban đêm tại khu đất của gia đình ông Lê Văn Năm đang canh tác vì chung quanh toàn là ruộng chỉ nơi đây cao ráo. Khi đó, người dân kéo đến rất đông để xem đoàn dân công biểu diễn và lễ đón nhận danh hiệu 8 chữ vàng. Lực lượng bộ đội của ta chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho buổi lễ trang trọng nhằm tránh quân địch phát hiện. Khi đó tôi là du kích ấp, nên được giao nhiệm vụ canh gác ở vòng ngoài, phòng trường hợp quân địch phát hiện sẽ báo động bằng tiếng mõ tre cho lực lượng phía trong biết. Buổi lễ diễn ra rất trang trọng và được bảo vệ an toàn đến khoảng 22 giờ đêm mới kết thúc.

Trần Văn Nhựt, sinh năm 1937, ngụ ấp Giồng Đồng

Bến Tre phát huy tinh thần Anh dũng Đồng khởi ảnh 1

Cầu Tám Chữ Vàng tại xã Tân Lợi Thạnh.

Ngày nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ ký ức hào hùng năm xưa với chiếc cầu bê-tông tên Tám Chữ Vàng chỉ cách nơi tổ chức buổi lễ khoảng hơn 100m.

Ông Võ Thái Hùng, sinh năm 1951 nhà sát bên cầu Tám Chữ Vàng cho biết: “Trước đây xung quanh đây chỉ là đồng ruộng, nên người dân chỉ đi bộ hay bơi xuồng. Sau giải phóng, nơi đây mới phát triển thủy lợi, bắc cầu dừa qua kênh rồi làm giao thông nông thôn, thay cầu dừa bằng cầu bê-tông cho đến nay. Người dân đặt tên cho cây cầu này là Tám Chữ Vàng để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu sau này”.

Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp

Năm 1998, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Lợi Thạnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Là xã Anh hùng với số lượng gia đình chính sách, gia đình cách mạng, thương binh, liệt sĩ rất lớn.

Hiện tại toàn xã có 979 gia đình chính sách, 54 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 4 Mẹ). Trong đó, có 288 liệt sĩ, 138 thương bệnh binh, 106 người bị bắt tù đày, 24 người nhiễm chất độc hóa học, 10 thanh niên xung phong, 359 người hưởng chế độ…

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Lợi Thạnh đã vượt qua khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bến Tre phát huy tinh thần Anh dũng Đồng khởi ảnh 2

Địa điểm tổ chức lễ đón nhận cờ danh dự Tám Chữ Vàng tại ấp Giồng Đồng, xã Tân Lợi Thạnh.

Đến nay, xã Tân Lợi Thạnh đã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện tại còn 3 tiêu chí là giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đang gấp rút hoàn thành để sớm công nhận xã nông thôn mới.

Địa phương đang tập trung phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong xây dựng nông thôn mới nhằm huy động các nguồn lực, vận động người dân hiến đất, hoa màu để làm đường, xây cầu nông thôn giúp phát triển kinh tế. Trung bình, mỗi năm xã Tân Lợi Thạnh đã vận động mạnh thường quân đóng góp xây cầu, làm đường với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, giúp hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn tại các ấp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lợi Thạnh Lê Chí Linh

Năm 2022, người dân ấp Giồng Chùa (xã Tân Lợi Thạnh) đã tình nguyện hiến đất, hoa màu để xây dựng tuyến đường dài 400m nối liền từ ấp Giồng Chùa qua ấp Giồng Đồng. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 462 triệu đồng. Trong đó, 23 hộ dân hiến đất, hoa màu, làm nền hạ với số tiền hơn 300 triệu đồng, còn lại vận động xã hội hóa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lý hiến 900m2 đất để mở đường cho biết: “Trước đây chưa có đường giao thông nông thôn nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Người dân chỉ đi bộ đường đất hay bơi xuồng mới ra đường lớn.Khi nhà nước có chủ trương làm đường, gia đình tôi mạnh dạn hiến đất để thực hiện dự án. Bây giờ, người dân và học sinh đi lại dễ dàng, gia đình tôi canh tác 1,1ha dừa thu hoạch có xe tới tận nơi để thu mua giá cao hơn trước”.

Đến nay, các tuyến đường giao thông nối liền các ấp tại xã Tân Lợi Thạnh đã dần hoàn thiện, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Bến Tre phát huy tinh thần Anh dũng Đồng khởi ảnh 3

Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Lợi Thạnh được đầu tư, xây dựng.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Thạnh Phan Văn Nhủ cho biết, phát huy truyền thống lịch sử Anh hùng của thế hệ đi trước, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, tuyên truyền cho người dân thông suốt về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phát luật của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết của Đảng bộ là đến năm 2025, nhưng địa phương sẽ phấn đấu trong năm 2024 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới.