Nâng cao chất lượng phục vụ
Vừa đến giờ làm việc buổi sáng, ông Phạm Văn Lực, sinh năm 1942 (ngụ xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc) đã đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Tân Phú Tây để làm thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế. Tại đây, ông được cán bộ hướng dẫn đổi thẻ, chỉ dẫn nơi khám bệnh. Chỉ hơn năm phút sau, ông đã làm xong thủ tục đổi thẻ. Ông Lực cho biết: “Tôi đến bộ phận một cửa này thường xuyên để làm giấy tờ, lãnh lương hưu, làm thẻ bảo hiểm... được cán bộ hướng dẫn tận tình, làm thủ tục rất nhanh, gọn nên rất hài lòng”. Năm 2020, 100% số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của xã Tân Phú Tây được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã. Tổng số TTHC được niêm yết là 111 thủ tục gồm 11 lĩnh vực. UBND xã Tân Phú Tây cũng rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa TTHC. Kết quả, trong năm đã giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông 12.664 hồ sơ, còn ba hồ sơ đang giải quyết. Bí thư Ðảng ủy xã Tân Phú Tây Lê Văn Khớp cho rằng, công tác CCHC luôn được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và triển khai tốt, xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Từ tháng 5-2020, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bến Tre được dời về Tòa nhà làm việc các sở, ngành tỉnh Bến Tre (phường Phú Tân, TP Bến Tre) nên rất thuận tiện để người dân đến thực hiện TTHC. Bà Lê Thị Ngọc Lan, ngụ phường Phú Tân, TP Bến Tre đang làm thủ tục tại đây cho biết: “Tôi đến đây nhiều lần để giải quyết các thủ tục của công ty như: đăng ký kinh doanh, thay đổi địa chỉ công ty, thay đổi vốn... tại bộ phận Sở Kế hoạch và Ðầu tư. Nơi đây được cán bộ phụ trách hướng dẫn tận tình, giải quyết nhanh chóng. Trước đó cán bộ đã trao đổi, hướng dẫn qua email, điện thoại cho nên đến đây là giải quyết công đoạn cuối cùng”.
Năm 2020, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận 80.477 hồ sơ, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 460 lượt người đến làm thủ tục. Lĩnh vực, công việc giải quyết theo cấp gồm 16 đơn vị là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và hai đơn vị ngành dọc là Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh. Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp các sở, ngành để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bến Tre Lê Hùng Cường cho biết: “Trung tâm chuyển về hoạt động tại trụ sở mới với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị được đầu tư mới hiện đại, dần tạo tính chuyên nghiệp cho công chức một cửa các sở, ngành. Từ đó, tạo niềm tin của người dân trong quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan. Ðơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và phục vụ tốt nhu cầu của người dân khi đến làm TTHC”.
Chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính
Thời gian gần đây, hầu hết các đơn vị từ cấp xã, huyện, tỉnh đã tập trung đầu tư chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính. Hiện, UBND phường An Hội (TP Bến Tre) đã trang bị 31 máy tính kết nối mạng nội bộ. Tỷ lệ văn bản phát hành liên thông qua hệ thống quản lý điều hành văn bản VNPT-Ioffice và tỷ lệ hồ sơ xử lý TTHC nhập vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 100%. Bí thư Ðảng ủy phường An Hội Phạm Văn Trung cho biết: “Ðược sự quan tâm của Ðảng ủy phường cùng sự giám sát của Hội đồng nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ phường An Hội và các đoàn thể, việc thực hiện nhiệm vụ của các ngành UBND ngày càng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó quan trọng nhất là bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được củng cố, sắp xếp cán bộ trực tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết kịp thời và đúng quy trình các nhu cầu của công dân trên tất cả các lĩnh vực”.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh đã công bố, công khai TTHC, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đúng theo các quy định hiện hành. Ðến nay, tất cả các TTHC đều được cung cấp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các cổng thông tin điện tử thành phần của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hiện, hệ thống đã được 17 đơn vị cấp tỉnh; chín huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Số cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử cấp tỉnh và cấp huyện đạt tỷ lệ: 100%; cấp xã tỷ lệ: 96,6%. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu công việc cũng như bảo đảm an toàn thông tin, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cấp thêm tài khoản thư điện tử công vụ cho các cơ quan thuộc khối Ðảng, đoàn thể, công an, quân sự. Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Thi cho biết: “Công tác hiện đại hóa nền hành chính tỉnh Bến Tre đã được đầu tư về nhân lực, vật lực; nhiều chỉ tiêu cao hơn so với năm 2019 như: tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỷ lệ sử dụng mail công vụ; tỷ lệ văn bản điện tử,… Ðặc biệt tỉnh đã ban hành kế hoạch, thành lập Tổ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 năm 2020 của các cơ quan nhà nước tỉnh Bến Tre. Công tác cải cách TTHC được thực hiện tốt, đã tham mưu đơn giản hóa nhiều TTHC, giảm thời gian giải quyết, giảm thành phần hồ sơ; thực hiện có kết quả các kế hoạch đã đề ra”.
Năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo Nghị quyết, Bến Tre thực hiện chuyển đổi số với ba trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện, Bến Tre đã cung cấp 100% TTHC phù hợp lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo số liệu thống kê, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên cổng dịch vụ công của tỉnh năm 2020 là 78.496 hồ sơ.
Ðồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm và quyết liệt chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số. Ðây chính là yếu tố tiên quyết, quan trọng bảo đảm chương trình được triển khai thông suốt, đạt kết quả. Ðồng thời, đổi mới mạnh mẽ nhận thức, cách làm. Trước đây, chúng ta thường đặt mục tiêu mỗi năm hoàn thành một ít và làm rời rạc, phân tán thì nay làm tập trung, đồng bộ và nhanh. Nhờ vậy, chỉ trong ba tháng, toàn bộ dịch vụ công của tỉnh đã chuyển lên mức độ 4. Nhìn chung, công tác giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh Bến Tre đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa, sự tương tác, sử dụng trực tiếp của người dân, doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Ðây cũng là một trong những hạn chế của tỉnh Bến Tre, do người dân chưa có thói quen thực hiện TTHC qua mạng. Ðể khắc phục vấn đề này, tỉnh Bến Tre đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tuyên truyền, hướng dẫn và bồi dưỡng kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp. Vừa qua, tỉnh Bến Tre đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện tại trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận một cửa của huyện, xã để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ðồng thời, tỉnh đang có kế hoạch triển khai tập huấn cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông về dịch vụ công trực tuyến để các em hướng dẫn gia đình thực hiện khi có yêu cầu.