Thiên tai ngày càng phức tạp
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra 7 đợt dông, lốc xoáy làm chết 1 người, 103 căn nhà ở bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác về nông nghiệp, kho xưởng của doanh nghiệp, chòi chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hoa màu,… Ngoài ra, có 16 điểm bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở 6.774m. Đỉnh điểm là 2 đợt xâm nhập mặn vào mùa khô năm năm 2015-2016 và năm 2019-2020 gây thiệt hại về nông nghiệp hơn 3 nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể: hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất trong khoảng từ 80-90%. Ngoài ra, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; nhiệt độ trung bình tại các khu vực cao hơn; đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong cuối tháng 10, đầu tháng 11, một số trạm đạt mức cao xấp xỉ đỉnh triều lịch sử. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh có khả năng tương đương năm 2019-2020. Nguyên nhân do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Võ Tiến Sĩ thông tin: thiệt hại do thiên tai trên địa bàn còn rất lớn. Đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 chỉ ước tính thiệt hại của ngành nông nghiệp đã lên đến 1.660 tỷ đồng. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã liên tiếp ra quyết định công bố tình huống sạt lở khẩn cấp tại bờ sông Giao Hòa (huyện Châu Thành) và bờ biển Bảo Thuận (huyện Ba Tri). Tổng chiều dài của 2 điểm sạt lở trên 5km và ảnh hưởng khoảng 420 hộ dân đang sinh sống.
Chủ động các giải pháp ứng phó
Trong năm 2022 đến nay, tỉnh Bến Tre đã được Trung ương hỗ trợ 1.103 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương), 642 tỷ đồng (vốn ODA) và 265 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương) để triển khai thực hiện 41 công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với mục tiêu phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 1.160 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 dự án cấp bách phòng, chống sạt lở trong thời gian tới.
Tại các địa phương đã tập trung các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn những tháng cuối năm. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết: “Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn hạn mặn sẽ lặp lại gay gắt tương đương đợt hạn mặn lịch sử vào năm 2016. Địa phương đã tổ chức hội nghị triển khai giải pháp để ứng phó. Trong đó, tập trung công tác dự báo nhanh, chính xác để thông tin đến người dân. Đồng thực hiện các giải pháp công trình như: đập tạm, trữ nước trong mương vườn, hồ chứa... để phục vụ sản xuất tại vùng trọng điểm trồng cây ăn quả, hoa, cây giống của địa phương”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh phải chủ động phòng chống thiên tai ngay từ đầu năm. Trong đó, chú trọng thực hiện với các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tỉnh tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định. Tổ chức xây dựng, ban hành các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai. Đồng thời, rà soát, cập nhật, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó với tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh phù hợp tình hình thực tế của địa phương”.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre thực hiện tốt công tác chuẩn bị phương án huy động nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương nhằm đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư tại các vùng sạt lở bờ sông, bờ biển. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển tiếp các nội dung chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh, huyện, xã bằng nhiều hình thức. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng chống thiên tai.