Bến Tre chủ động hợp tác, liên kết để phát triển kinh tế biển

Từ ngày 10 đến 14/8/2022, Đoàn công tác tỉnh Bến Tre do đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre làm Trưởng đoàn đã có chuyến đi thực tế về các nội dung hợp tác, liên kết phát triển kinh tế biển với các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác tỉnh Bến Tre làm việc tại tỉnh Kiên Giang.
Đoàn công tác tỉnh Bến Tre làm việc tại tỉnh Kiên Giang.

Đây là hoạt động nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện lập quy hoạch phát triển kinh tế biển, quy trình, thủ tục thực hiện các dự án lấn biển trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 13, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời triển khai quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Tìm hiểu về khu đô thị; kinh tế biển; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)

Dịp này, Đoàn công tác tỉnh Bến Tre đã được trao đổi, chia sẻ cụ thể về công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế biển tại tỉnh Kiên Giang. Cũng như về trình tự, thủ tục thực hiện trình phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án lấn biển.

Các ngành nghề ưu tiên thực hiện trong khu kinh tế biển, tác động lan tỏa của các khu kinh tế biển đến kinh tế toàn tỉnh. Các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển khu kinh tế biển thành công, kinh nghiệm từ việc xây dựng và vận hành khu kinh tế biển...

Các ý kiến đặt ra được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chia sẻ cởi mở, chân tình, đáp ứng yêu cầu của đoàn công tác tỉnh Bến Tre.

Trong khuôn khổ chuyến trao đổi, chia sẻ tại tỉnh Kiên Giang, Đoàn công tác tỉnh Bến Tre đã đến thăm và nghe trao đổi về hiệu quả quản lý nguồn nước của công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, tỉnh Kiên Giang.

Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay về quy mô, khẩu độ thông nước, có nhiệm vụ kiểm soát, điều hòa nguồn nước mặn, nước ngọt và nước lợ, tạo điều kiện sản xuất theo hệ sinh thái cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha thuộc các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Bến Tre chủ động hợp tác, liên kết để phát triển kinh tế biển ảnh 1

Đoàn công tác tỉnh Bến Tre khảo sát thực tế tại Cà Mau.

Thời gian qua tỉnh Cà Mau và tỉnh Bến Tre đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

Qua thời gian triển khai thực hiện đã thể hiện sự quan tâm và quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền hai tỉnh trong công tác quản lý tàu cá nhằm ngăn chặn tình trạng tàu khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài; các sở, ngành, đơn vị có liên quan của hai tỉnh đã tích cực vào cuộc thực hiện phòng, chống khai thác IUU.

Lãnh đạo hai tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi, mong muốn và yêu cầu bà con ngư dân tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của Bến Tre và Cà Mau; Tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển và gắn chặt chẽ với chính quyền, biên phòng địa phương, kịp thời nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt; Từ đó thực hiện đúng quy định trong khai thác đánh bắt, không để xảy ra trường hợp vi phạm trong đánh bắt hải sản nói chung và đặc biệt là không để vi phạm vùng biên giới biển.

Trao đổi với Đoàn công tác Bến Tre, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang khẩn trương đẩy mạnh triển khai các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư cảng biển Trần Đề với hệ thống quy hoạch, thiết kế, đầu tư đồng bộ, hiện đại, cảng Trần Đề sẽ là tổ hợp cảng lớn của khu vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Cửu Long mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng, lợi thế phát triển giao thông đường thủy nội địa, giao thông hàng hải. Với dự án cảng biển nước sâu và hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ đang được đầu tư, Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực, tạo đột phá chung cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre.

Dự án hứa hẹn sẽ liên kết trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, gắn với định hướng phát triển của vùng theo chủ trương của Chính phủ về liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thúc đẩy hợp tác liên kết giữa Bến Tre và các tỉnh, thành phố trong khu vực

Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận định: Qua chuyến đi đã góp phần thúc đẩy hợp tác liên kết giữa Bến Tre và các tỉnh, thành phố trong khu vực phát triển tốt hơn. Điều kiện phát triển của các tỉnh, thành phố rất tốt và có nhiều tương đồng, tiềm năng để hợp tác phát triển.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bến Tre đang chủ động gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực, hỗ trợ hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực phát triển của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung. Việc hợp tác, phối hợp sẽ gắn với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Trước mắt Bến Tre cần nỗ lực tối đa để thực hiện tốt tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Tỉnh ủy Bến Tre đã đặt ra trong năm 2022. Trên cơ sở đó, Bến Tre sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện tốt Nghị quyết của những năm tới; thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho cả nhiệm kỳ và thời gian sau này.

Đồng thời, tỉnh cần nỗ lực hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể của vùng; thực hiện có kết quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho rằng, quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh Bến Tre là một tài liệu, nguồn lực đặc biệt quan trọng để thực hiện được mục tiêu, khát vọng phát triển Bến Tre trong thời gian tới.

Việc xây dựng quy hoạch phải bảo đảm sự đồng bộ, tầm nhìn chiến lược, toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cần được thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tỉnh cũng cần đổi mới tác phong, phong cách, lề lối làm việc tạo ra động lực phát triển, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước thu hút đầu tư, đồng hành cùng sự phát triển của Bến Tre.

Đồng thời, Tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh; chủ động điều chỉnh, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo ra sự đổi mới thúc đẩy phát triển. Đối với các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh chủ động cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực đề xuất Trung ương tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện hơn để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển vùng và từng tỉnh, thành phố trong thời gian tới.