Bế tắc trong xử lý chủ doanh nghiệp phá sản bỏ trốn

NDO -

Tình trạng các chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm xã hội khiến hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh lao đao, thất nghiệp. Tuy nhiên, do thủ tục xử lý, khởi kiện quá rối rắm và phức tạp nên thực trạng này dù để lại nhiều hệ lụy nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.

Tài sản của Công ty Hojin đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau nhiều năm bỏ hoang.
Tài sản của Công ty Hojin đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau nhiều năm bỏ hoang.

Chủ trốn, công nhân bơ vơ

Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: Tình trạng các chủ doanh nghiệp (DN) nước ngoài, chủ yếu đến từ Hàn Quốc sau khi làm ăn thua lỗ đều tìm cách trốn về nước, bỏ lại tài sản, nợ lương công nhân nhiều tháng không trả. Có trường hợp do ủy quyền lại cho người phụ trách là người Việt Nam nên khi các cơ quan chức năng thanh tra, xử lý đều gặp rất nhiều khó khăn do những người này đều không đủ thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Một số vụ điển hình như Công ty TNHH I1 Shin Cap (100% vốn Hàn Quốc; chuyên gia công nón ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) do ông Lee - Seong Ho làm Giám đốc. DN này hoạt động từ năm 2005 nhưng thường xuyên chậm lương, thưởng; nợ bảo hiểm xã hội nên hầu như năm nào cũng xảy ra đình công. Ðến khi chủ DN bỏ trốn, cơ quan thi hành án huyện Bình Chánh tổ chức niêm phong tài sản thì các công nhân mới biết vị giám đốc này cũng đang nợ nần khắp nơi. Tương tự, Giám đốc của Công ty TNHH Việt Ánh Sáng (100% vốn Hàn Quốc; may gia công; huyện Củ Chi) trước khi trốn về nước cũng "để lại" khoản nợ lương hơn hai trăm triệu đồng.

Quận Bình Tân cũng là địa phương có nhiều chủ DN Hàn Quốc bỏ trốn biệt tích khi làm ăn thua lỗ, đơn cử như Công ty TNHH Hojin, 100% vốn Hàn Quốc có trụ sở tại số 39A/1, Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. Sau khi bỏ về nước từ năm 2006, công ty còn nợ 234 triệu đồng lương, chưa kể trợ cấp thôi việc và BHXH. Ðến nay, dù các cơ quan chức năng đã niêm phong số tài sản công ty này nhưng việc giải quyết chế độ cho công nhân vẫn giẫm chân tại chỗ. Hiện số tài sản sau nhiều năm bỏ hoang đã bị xuống cấp, hầu như không thể hoạt động trở lại.

Ðơn giản hóa thủ tục xử lý

Ðại diện Liên đoàn Lao động thành phố cho rằng: Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chậm trễ trong việc xử lý các chủ DN, chế độ cho công nhân, bảo hiểm xã hội, tài sản bị niêm phong là do thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Các vụ kiện cá nhân đều không thành công vì các công nhân đều không đủ năng lực và tài chính để theo kiện trong khi việc ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị lại không được các tòa án chấp nhận vì sai quy định.

Thực tế, khi chủ DN bỏ trốn, các quận, huyện đều có các thủ tục hướng dẫn người bị hại nhưng hầu hết đều không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ðiển hình như tại Công ty Hojin, trước khi bỏ trốn, ông Kim Chang Ho, giám đốc công ty có ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hậu, Kế toán trưởng giải quyết các vấn đề phát sinh, trong đó có quyền lợi của công nhân. Thế nhưng, do việc ủy quyền chưa hợp lệ nên đến nay các công nhân vẫn chưa được giải quyết chế độ theo quy định. Cuối tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Lao động quận Bình Tân đã gửi kiến nghị về việc đơn giản thủ tục thanh lý tài sản doanh nghiệp đến Chi cục Thi hành án dân sự thành phố nhằm sớm giải quyết quyền lợi cho công nhân. Hoặc như trường hợp của 300 công nhân Công ty Magnicon (đóng trên địa bàn quận 12), khi bị chủ DN nợ lương do bỏ trốn đã ủy quyền cho Liên đoàn Lao động quận khởi kiện nhưng Tòa án Nhân dân quận 12 đã không tiếp nhận vì cho rằng Liên đoàn Lao động quận 12 không thể đại diện cho tập thể công nhân khởi kiện.

Cách đây hơn ba năm, khi trên địa bàn thành phố có nhiều chủ DN là người Hàn Quốc bỏ trốn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố đã làm việc với đại diện Lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố nhằm tìm hướng giải quyết nhưng không đạt kết quả do các vụ việc đều là tranh chấp dân sự. Mới đây, Liên đoàn Lao động cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu những yếu tố xác định chủ DN bỏ trốn, tạo cơ sở pháp lý giải quyết nhanh chóng các vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.