Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc khẩn trương, những nội dung còn lại để chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét một cách thận trọng, thấu đáo và đã có kết luận từng nội dung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu hoàn chỉnh các nội dung quan trọng đã được Ủy ban TVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về công tác chuẩn bị nhân sự, kiện toàn các chức danh tại một số cơ quan Nhà nước, trên cơ sở kết luận, biểu quyết của Ủy ban TVQH, Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, nhất là quy trình giới thiệu, bầu, miễn nhiệm, phê chuẩn bảo đảm đúng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí trong Ủy ban TVQH đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành trọng trách trong nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm qua; đồng thời bày tỏ tin tưởng các đồng chí tiếp tục công tác sẽ tích cực hợp tác với những thành viên mới để hoàn thành nốt các nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa XIV cũng như các hoạt động trong nhiệm kỳ khóa XV một cách chất lượng, hiệu quả và thành công.
Trước đó, tại phiên họp thứ 54, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11; cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Kỳ họp dự kiến kéo dài 12 ngày, khai mạc ngày 24-3 và bế mạc ngày 8-4 (dự phòng ngày 9-4).
Cũng trong chiều 15-3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban TVQH đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí với nội dung được nêu trong dự thảo báo cáo; gợi mở một số định hướng hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập... và những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đánh giá kỹ để hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.