Bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 1)

NDO -

Tối 28/11, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 1) do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng tổ chức đã chính thức bế mạc tại Nhà hát Tháng Tám, TP Hải Phòng.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu bế mạc. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu bế mạc. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Trong 10 ngày diễn ra sôi nổi (từ ngày 18/11), hơn 1600 nghệ sĩ đến từ 19 đơn vị ca múa nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc đã mang đến các chương trình nghệ thuật đặc sắc với hàng trăm tiết mục ở các thể loại từ ca, múa đến độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhạc kịch. 

Phát biểu bế mạc Liên hoan, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, mỗi chương trình, tiết mục ca múa nhạc đã thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng đơn vị, từng loại hình nghệ thuật. Các nghệ sĩ đã thể hiện những phong cách trình diễn đầy cá tính sáng tạo nhưng vẫn mang đậm hồn cốt, nét tinh túy của loại hình nghệ thuật mà các nghệ sĩ đang gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của Liên hoan.

“Đã có những thời điểm chúng ta lo lắng về đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công kế cận của sân khấu ca múa nhạc. Nhưng qua liên hoan này, chúng ta có thể khẳng định rằng đội ngũ đó đang phát triển rất tốt và sẽ là những hạt giống bảo đảm cho tương lai của nền nghệ thuật ca múa nhạc nước nhà.”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 1) -0
NSND, Nhạc sĩ Trọng Đài đánh giá tổng kết về chất lượng nghệ thuật của liên hoan. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của Liên hoan, Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trọng Đài - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận định, qua Liên hoan, có thể thấy việc xây dựng các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Những tiết mục đơn lẻ được kết nối theo từng chủ đề, chương hồi, những chương trình tạp kỹ pha trộn nhiều loại hình cùng một lúc đã tạo ra nhiều cơ hội cho việc dàn dựng. Ngoài ra, việc kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, phục trang, màn hình led… để tạo hiệu ứng đặc biệt cho chương trình cũng đang được rất nhiều các đoàn nghệ thuật chú trọng sử dụng.

Bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 1) -0
Trao Huy chương Vàng cho các tiết mục xuất sắc. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Tuy nhiên, ở một số chương trình còn bộc lộ công tác chỉ đạo và dàn dựng bị buông lỏng; việc kết nối giữa các yếu tố ca-múa-nhạc chưa chặt chẽ; khâu biên tập tác phẩm cho ca sĩ đôi khi chỉ chú ý đến phô diễn giọng hát mà bỏ qua điều quan trọng là kỹ năng thể hiện; việc sưu tầm các chất liệu để đưa vào tác phẩm đôi lúc còn hình thức, chưa đúng chỗ…

Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 6 Huy chương Vàng cho các chương trình: Sống trên đá-thác về với đá (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang); Những người khốn khổ (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); Thanh âm (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long); Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi trẻ); Lào Cai-Bồng bềnh miền sương mây (Đoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai); Huyền thoại nữ tướng Lê Chân (Đoàn ca múa Hải Phòng). Cùng với đó là 4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các chương trình xuất sắc; 30 Huy chương Vàng, 56 Huy chương Bạc, 24 Huy chương Đồng cho các tiết mục xuất sắc tại Liên hoan. 

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng trao giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo, bao gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc; Đạo diễn xuất sắc; Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc; Nhạc sĩ xuất sắc; Biên đạo múa xuất sắc; Diễn viên hát chính xuất sắc; Nhạc công chính xuất sắc.