Chiều 7-4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ bế mạc Hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện lần thứ IV.
Tới dự lễ bế mạc có đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện), Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức hội thi; các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các đồng chí Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo hội thi cùng 48 giảng viên vừa hoàn thành các bài thi.
Theo báo cáo tổng kết, Hội thi lần thứ IV có 48 giảng viên (thuộc 14 Viện chuyên ngành và 05 Học viện trực thuộc) đăng ký tham gia dự thi tại 18 chuyên ngành thuộc sáu tiểu ban. Kết quả, có bốn giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên xuất sắc”, 28 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên giỏi”.
Nhìn chung, qua việc triển khai tổ chức Hội thi, các đơn vị, cá nhân tham gia đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thi trong việc nâng cao kiến thức lý luận, thực tiễn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ; tạo phong trào thi đua lành mạnh, thiết thực tại các đơn vị và góp phần đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên. Việc thực hiện tốt đổi mới hình thức tổ chức thi đã giúp các giảng viên ý thức được ưu điểm, cũng như hạn chế của mình để có hướng khắc phục, điều chỉnh.
Tuy nhiên, qua hai ngày tổ chức Hội thi, đánh giá sơ bộ cho thấy chất lượng giảng viên tham gia ở nội dung thao giảng chưa cao so với ba lần tổ chức trước đây, mặc dù số lượng giảng viên tham dự là đông nhất. Nhiều bài giảng còn nặng về thuyết trình, mô tả sự kiện, chưa sát và chưa đúng tầm với đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Việc tương tác giữa giảng viên và học viên chưa thật sự tốt...
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức hội thi cho biết sau hai ngày tổ chức nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm, công tâm và với sự tham gia hào hứng của các giảng viên, hội thi đã kết thúc thành công.
Đồng chí nhấn mạnh, thông qua hội thi đã khẳng định chủ trương rất đúng, đó là “muốn có học viên giỏi phải có giảng viên giỏi”. Kỳ thi là hình thức để đánh giá, là cơ hội để các giảng viên tự khẳng định và thể hiện mình, đồng thời học hỏi, rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện, bổ sung về kiến thức, phương pháp và kỹ năng.
Bên cạnh đó, thông qua hội thi cũng phản ánh hiệu quả của các mặt công tác: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của Học viện trong những năm gần đây.
Đồng chí lưu ý, để trở thành giảng viên giảng dạy lý luận chính trị giỏi cần xác định rõ đối tượng học viên là những cán bộ có thực tiễn và kinh nghiệm, do đó cần xác định cái học viên cần là những chủ trương, chính sách dựa trên những luận cứ khoa học, những tổng kết thực tiễn nào, rồi từ đó có những phương pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, các giảng viên cần phải làm chủ, nắm thật vững những kiến thức nền rồi sau đó mới đi sâu vào các kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu.
“Đã là giảng viên giảng dạy giỏi thì không chỉ giỏi ở một bài học, một tiết học, một tiểu tiết nhỏ mà phải ở trong mọi tình huống”, đồng chí lưu ý.
Về công tác đánh giá chất lượng giảng viên thông qua hội thi, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng lần thi này công tác đánh giá được thực hiện rất tốt, không có đánh giá sai. Tuy nhiên, cần chuẩn bị kỹ hơn về các tiêu chí đánh giá, cần lượng hóa được để đánh giá chính xác hơn, để hội thi lần sau đạt kết quả tốt hơn nữa.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã trao Bằng khen cho bốn giảng viên xuất sắc; lãnh đạo Học viện đã trao Giấy khen cho 28 giảng viên giỏi.
Hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện lần thứ IV được tổ chức trong hai ngày (6 và 7-4-2021), nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho các giảng viên trong toàn hệ thống Học viện được thể hiện năng lực sư phạm, trình độ kiến thức của bản thân từng cá nhân, cũng như trau dồi kinh nghiệm với các đồng nghiệp.
Hội thi cũng là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên, từ đó giúp Lãnh đạo Học viện một mặt có cách nhìn tổng thể hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.