Một ngôi nhà gỗ năm gian lợp ngói, với vườn cây, tiểu cảnh và những sản phẩm gốm được sắp đặt đầy nghệ thuật - đó chính là không gian mà Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng ưa thích nhất. Không gian này là nơi khởi nguồn bao ý tưởng sáng tạo trong thế giới của đất và lửa của ông. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng đang loay hoay chỉ đạo thợ nề cải tạo khuôn viên của ngôi nhà, chuyển thành một không gian trưng bày của Bảo tàng Gốm Hồn đất Việt. Ông chia sẻ: Đầu năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã cấp phép cho thành lập bảo tàng gốm. Hội đồng khoa học đã thẩm định xong những cổ vật, sản phẩm mà tôi đăng ký. Hiện giờ đang phấn đấu hoàn thành hạ tầng một cách sớm nhất để có thể trưng bày, giới thiệu. Hy vọng khi đến làng cổ Bát Tràng, khách du lịch có thêm một địa chỉ văn hóa để hiểu về lịch sử gốm Việt.
Gia đình nghệ nhân Vũ Đức Thắng nhiều đời làm nghề dạy học. Lớn lên, ông theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Lúc đó đất nước mới thống nhất, kinh tế khó khăn, chẳng mấy cơ quan có nhu cầu tuyển dụng người làm mỹ thuật. Thất nghiệp, nghệ nhân Vũ Đức Thắng về làng, bắt đầu nghề gốm. Không vốn, không nhà xưởng. Song, cái rủi lại đưa đẩy ông tới cái may. Ông bảo: "Lúc ấy hợp tác xã làm ăn mạnh lắm, người ta sản xuất đại trà các sản phẩm gốm dân dụng. Trong tay mình không có nhà xưởng, không thể làm ăn lớn. Chỉ còn cách duy nhất là làm ít, nhưng sản phẩm phải có tính nghệ thuật cao". Trong con mắt nhiều người, nghệ nhân Vũ Đức Thắng được xem là người thất bại. Ông phải chắt bóp, nhịn ăn nhịn tiêu để duy trì nghề. Thi thoảng mới có khách đến mua một vài chiếc bình, chiếc lọ. Điều khác biệt là khách mua đều sành chơi. Không ai ngờ, chính cách làm đó đã sớm định hình một phong cách nghệ thuật gốm riêng.
Khi đất nước đổi mới, các hợp tác xã giải thể, mọi người loay hoay tìm thị trường, tìm hướng đi cho sản phẩm thì nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã chọn xong con đường của mình. Xưởng gốm của ông vận hành trơn tru. Ông định hình đối tượng tiêu thụ sản phẩm của mình là người có đầu óc mỹ thuật và có điều kiện kinh tế. Thương hiệu gốm "Hồn đất Việt" của ông nhanh chóng "đi Tây", với những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Ông cũng nhận được rất nhiều giải thưởng, danh hiệu khác nhau, trong đó có danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Khác với nhiều nghệ nhân tập trung vào khôi phục gốm cổ, nghệ nhân Vũ Đức Thắng thường sáng tác những tác phẩm trên nền gốm cổ. Có thể là lấy dáng những chiếc bình, lọ đã thành "kinh điển", hoặc khai thác một phần những mô-tip cách nặn, cách vẽ cổ truyền. Sản phẩm của nghệ nhân Vũ Đức Thắng mang vẻ hiện đại, mà vẫn giữ những âm hưởng của truyền thống Bát Tràng. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng thường làm những tác phẩm độc bản. Ở đó, ông dồn toàn bộ tâm huyết về tạo hình, kỹ thuật vẽ, tạo mầu men. Tác phẩm của ông xuất hiện trong những đại sảnh sang trọng của những khách sạn lớn, trong bộ sưu tập của những người yêu mỹ thuật trong và ngoài nước. Trong những tác phẩm, có hai chiếc bình mà "trả giá nào ông cũng không bán". Một trong hai tác phẩm đó là câu chuyện kể từ thuở Vua Hùng dựng nước, Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long cho đến những chiến thắng lịch sử trong thế kỷ 20. Tất cả những ai có kiến thức về gốm đều thừa nhận chiếc bình được làm tỉ mẩn bằng kỹ thuật đắp nổi gốm thuần thục, tinh xảo.
Hơn 60 tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, nhìn lại, ông vẫn thấy mang nợ quê hương. "Sản phẩm của Bát Tràng vốn là để làm đẹp cho đời. Những sản phẩm đẹp nhất, tinh túy nhất của thời xa xưa đều không nằm lại ở làng gốm mà đi tới mọi phương trời. Vì vậy, bản thân giới trẻ Bát Tràng ngày nay cũng không hiểu hết giá trị, hiểu hết vẻ đẹp của gốm Bát Tràng. Cần phải cho mọi người thấy được lịch sử của làng gốm qua những sản phẩm". Nghĩ thế, nghệ nhân Vũ Đức Thắng mày mò sưu tập những cổ vật Bát Tràng, hình thành bộ sưu tập mà qua đó người ta có thể hiểu sự phát triển của làng gốm. Ông xin thành phố cho phép lập bảo tàng không vì mục đích thương mại. Đơn giản, chỉ để thỏa tâm nguyện của mình.
Khu "biệt phủ" của nghệ nhân Vũ Đức Thắng sẽ trở thành không gian của bảo tàng và sớm mở cửa đón khách. Nằm ngay cạnh chợ gốm Bát Tràng, Bảo tàng Gốm Hồn đất Việt được kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch ở làng gốm cổ ven sông Hồng này.