Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang tăng mạnh và vượt quá nguồn cung, nên các quốc gia dự kiến sẽ đầu tư nhiều hơn vào sản xuất hữu cơ. Cùng đó là các quy định nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản đã không còn là yêu cầu riêng của thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, mà dần trở thành tiêu chí chung của hầu hết các thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Bài 3: Tiếp sức đường dài

Chính vì vậy, việc hình thành nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam cần có thêm những giải pháp cấp bách và dài hạn để bắt kịp xu hướng toàn cầu.

Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ trên diện rộng

Muốn mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng cho rằng: “Cần đẩy nhanh việc hỗ trợ địa phương xác định các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất hữu cơ theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa; Ưu tiên phê duyệt các dự án khuyến nông điểm về sản xuất hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dược liệu…, nhất là mô hình sản xuất hữu cơ theo chuỗi liên kết; Tiếp tục ban hành các quy trình sản xuất hữu cơ, định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho các đối tượng sản phẩm sản xuất hữu cơ chính, phục vụ nhu cầu thực tế sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện và kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình”.

Giải pháp này đang được triển khai ở một số địa phương, như tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành cho biết: “Huyện Cẩm Mỹ đang phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thí điểm mô hình nuôi lợn hữu cơ; xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ khoảng 100ha tại xã Sông Ray; mô hình trồng sầu riêng, hồ tiêu hữu cơ tại xã Lâm San. Các mô hình này nếu thành công sẽ nhân rộng ra nhiều xã khác trong huyện”.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam thông tin: Đáng mừng là đến bây giờ đã có rất nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, địa phương đồng hành với Quế Lâm xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ. Công ty hỗ trợ đầu vào, quy trình kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ việc chủ động vật tư đầu vào, công nghệ sản xuất men vi sinh độc quyền đến các quy trình khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, công ty đã tạo nên một hệ sinh thái mà ở đó giá trị cốt lõi là vì người nông dân. Các mô hình sản xuất chứng minh được hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, bảo đảm lợi ích trực tiếp của người nông dân, từ đó nông dân thấy hiệu quả và tự họ đã thay đổi.

Dưới góc nhìn kinh tế, để mở rộng được diện tích nông nghiệp hữu cơ, ông Mike Tran - Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH MEDIFOOD.IO nhận định: Có hai điểm hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện nay là ít có khả năng kiểm soát sâu bệnh ở quy mô lớn và chi phí đầu vào cao từ thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ.

Nguyên nhân một phần là do hầu hết nhà vườn canh tác hữu cơ thiếu kiến thức về cách tự sản xuất phân hữu cơ hiệu quả tại vườn. Thực tế, Công ty TNHH MEDIFOOD.IO đã nghiên cứu và phát triển một giải pháp siêu tiết kiệm chi phí để sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ, có thể giảm hơn 50% giá thành sản xuất nông sản hữu cơ. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đơn vị phụ trách để hướng dẫn kỹ thuật và áp dụng những biện pháp giảm chi phí này.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn cần thêm các chính sách mang tính đặc thù để tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, mặc dù Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ đã đề ra chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa đủ sức thu hút tổ chức, cá nhân tham gia.

Bởi hiện nay nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác rất khó tiếp cận các chính sách nêu trong nghị định. Nguyên nhân là mỗi nội dung chính sách lại ở một nghị định khác nhau, mỗi nghị định lại có quy định thể thức tổ chức thực hiện không giống nhau, dẫn đến nhiều thủ tục quá mức cần thiết… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ nông dân để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hữu cơ mà trong đó các nông hộ bắt buộc phải chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn hữu cơ đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC) Trần Phong Lan cho biết: “Sản xuất hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ để có thể đưa hàng hóa ra thị trường là điều không dễ dàng. Cụ thể, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ có giấy chứng nhận được công nhận. Tương tự đối với các chế phẩm sinh học để phòng ngừa và điều trị dịch hại, sâu bệnh cũng phải được các cơ quan chứng nhận công nhận là hữu cơ. Các yếu tố khác trong thực hành canh tác hữu cơ như diệt sâu bọ, côn trùng gây hại bằng tay, diệt cỏ thủ công… cũng đòi hỏi nhiều công sức lao động.

Tất cả các yếu tố sản xuất này dẫn đến giá thành sản xuất hữu cơ cao hơn sản xuất vô cơ. Hơn thế, việc sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với phân hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng, khoáng... cung cấp cho cây ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ khiến cây phát triển chậm, năng suất thấp, sản phẩm không đồng đều và hình thức có thể không đẹp mắt cũng dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ngay trên sân nhà. Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ nội địa, cần chính sách hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học hữu cơ, làm đầu vào thuận lợi cho việc sản xuất”.

Là đơn vị xây dựng thành công mô hình canh tác lúa gạo hữu cơ VD 20 Gò Công, đại diện Công ty TNHH Thương mại HK cho rằng: “Để phát triển thị trường trong nước cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng kết nối giữa các nhà cung ứng với các nhà phân phối, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các địa phương, các vùng miền thông qua hoạt động kết nối cung cầu. Ngoài ra, chú trọng đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào hệ thống siêu thị trong nước và các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ”.

Để người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm hữu cơ trong nước thì cần đẩy mạnh việc cấp chứng nhận. Tuy nhiên ở Việt Nam, quy trình cấp chứng nhận còn phức tạp và tốn nhiều chi phí khiến những đơn vị sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận. Do đó, thời gian tới, quy trình này cần được cải tiến, nhằm giải quyết nhanh, thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, đối với sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, cần chứng nhận hữu cơ được quốc tế công nhận. Hiện nay, chứng nhận hữu cơ Việt Nam vẫn chưa được quốc tế công nhận, đòi hỏi các đơn vị sản xuất, xuất khẩu hàng hóa hữu cơ phải đạt được các giấy chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA (Mỹ), EU Organic (Liên minh châu Âu), JAS (Nhật Bản)…

Trước thực tế đó, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Phạm Văn Duy cho rằng, cần tăng cường kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp và của các chương trình, dự án quốc tế để phát triển nông nghiệp hữu cơ; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận song phương nhằm thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hữu cơ Việt Nam ra thị trường quốc tế; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, người sản xuất về phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, nâng cao năng lực các tổ chức chứng nhận Việt Nam để từng bước được thừa nhận ■

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), tính đến năm 2020, quốc gia có thị trường thực phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (49,5 tỷ euro), tiếp theo là Đức (15 tỷ euro), Pháp (12,7 tỷ euro) và Trung Quốc (10,2 tỷ euro). Rau quả hữu cơ là nhóm sản phẩm được các nước nhập khẩu lớn nhất, với 1,29 triệu tấn trong năm 2020 (chiếm 46% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm hữu cơ), trong đó nhiều nhất là trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị (65%). Khu vực có diện tích đất hữu cơ lớn nhất là châu Đại Dương (35,9 triệu ha). Tiếp theo là châu Âu (17,1 triệu ha); châu Mỹ Latin (9,9 triệu ha); châu Á (6,1 triệu ha); Bắc Mỹ (3,7 triệu ha) và châu Phi (2,1 triệu ha). Đến năm 2026, thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu dự báo sẽ đạt 437,36 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 14,0%.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 28/2, 1/3/2023.