Bất hợp lý quy định "cứng" trong đào tạo nghệ thuật mang tính đặc thù

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội có công văn gửi Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT trong các trường đào tạo nghệ thuật.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo công văn này, từ năm học 2021-2022, các trường đào tạo nghệ thuật phải phối hợp các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn để tổ chức giảng dạy văn hóa đối với học viên của các trường đào tạo nghệ thuật có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THCS để xét tốt nghiệp THCS, cấp bằng tốt nghiệp THCS, hoặc học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Công văn cũng nêu rõ: “Trung tâm GDNN - GDTX có trách nhiệm chủ trì thực hiện trong các khâu chọn, cử và phân công giáo viên; tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá, quản lý, lưu trữ hồ sơ, phê học bạ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình và thực hiện cấp văn bằng theo đúng quy định”. Như vậy, các trường nghệ thuật sẽ không được chủ trì đào tạo văn hóa cho học viên như trước. Theo đại diện lãnh đạo các trường, yêu cầu thực hiện quy định nêu trên ngay trong năm học 2021-2022 có phần chưa khả thi, cũng chưa phù hợp với các yêu cầu thực tiễn đào tạo nghệ thuật.

Đối với các loại hình như xiếc, múa, nhạc, để có được những tài năng nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự tuyển chọn khắt khe và quá trình đào tạo bài bản, lâu dài từ khi còn nhỏ. Nhiều trường tuyển học viên ngay lúc các em vừa học hết lớp 6, nên cùng với đào tạo chuyên môn, lâu nay, các trường còn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy kiến thức văn hóa phổ thông cho học viên.

Theo chương trình khung giáo dục văn hóa dành cho nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật, các môn văn hóa được giảm về thời lượng để ưu tiên đào tạo chuyên môn, giúp học viên có nhiều thời gian hơn để tập trung rèn luyện, phát triển tài năng. Qua đó, các trường đào tạo nghệ thuật cũng có thể chủ động, linh hoạt trong sắp xếp lịch học văn hóa để dành những khoảng thời gian nhất định trong năm đưa học sinh, sinh viên đi cọ xát, thi đấu, biểu diễn trong nước, ngoài nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo văn hóa, tại một số trường như Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam… còn đầu tư xây dựng hạ tầng với hệ thống trang thiết bị, phòng học, đội ngũ giáo viên cơ hữu. Vì thế, đối mặt yêu cầu chuyển ngay toàn bộ phần đào tạo văn hóa cho trung tâm GDNN-GDTX đảm nhận, các trường không khỏi lo lắng trước nguy cơ chương trình học được thiết kế không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo tài năng nghệ thuật.

Thêm nữa là nỗi lo về học phí phát sinh khi học sinh theo học tại các trung tâm GDTX, bởi đến nay, họ vẫn đang thuộc diện được hưởng ưu đãi của Nhà nước dành cho các chuyên ngành nghệ thuật khó tuyển sinh. Điều này rất có thể sẽ khiến công tác tuyển đầu vào cho khối ngành nghệ thuật vốn đã gian nan nay càng thêm trắc trở.

Bên cạnh đó, dù công văn nêu rõ các trường đào tạo nghệ thuật chủ động kết hợp trung tâm GDNN-GDTX sử dụng tối đa đội ngũ giáo viên dạy văn hóa (nếu có) và cơ sở vật chất để tổ chức giảng dạy đạt hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người học; song trên thực tế, việc bố trí, cân đối, sắp xếp giáo viên của hai bên để cùng tham gia giảng dạy là điều khó thực hiện một sớm một chiều. Đó là chưa kể, việc học sinh có thể phải di chuyển giữa hai nơi và cùng một lúc chịu sự quản lý của cả trường nghệ thuật và trung tâm GDNN- GDTX cũng gây xáo trộn trong quản lý học viên.

Đưa ra những thay đổi trong chính sách đào tạo để mang đến sự phù hợp, thống nhất giữa các điều khoản luật và bảo đảm tính công bằng trong giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người theo học là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, sự thay đổi muốn tạo ra kết quả tích cực cần xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn và có lộ trình và quá trình chuẩn bị những điều kiện cần và đủ.

Thiết nghĩ, việc kết hợp giữa cơ sở đào tạo nghệ thuật và các trung tâm GDNN- GDTX không thể tiến hành gấp gáp mà cần được bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra về chương trình học, thời lượng phân phối, đội ngũ nhân lực giảng dạy, quản lý… Mục tiêu lớn nhất là hướng đến đào tạo những tài năng nghệ thuật chất lượng cao cho đất nước đáp ứng được cả yêu cầu về chuyên môn và văn hóa. Đào tạo nghệ thuật là đào tạo tinh hoa mang tính đặc thù.

Vì thế, việc áp dụng những quy định cứng đối với đào tạo nghệ thuật cần thời gian trên dưới chục năm tương tự như đào tạo nghề thông thường chỉ kéo dài vài năm là điều bất hợp lý. Thời gian qua, nhiều vấn đề phản ánh độ “vênh” giữa các quy định pháp luật trong tuyển sinh, đào tạo với đòi hỏi thực tiễn của đào tạo nghệ thuật đã được chỉ ra nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Khi mà nhiều trường đào tạo nghệ thuật đang cùng lúc chịu sự quản lý của cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì lời giải triệt để chỉ có thể trông đợi vào sự thấu hiểu, chia sẻ và kết hợp chặt chẽ hơn của tất cả các bên trên cơ sở cân nhắc tới các yếu tố đặc thù trong đào tạo nghệ thuật…