Bất động sản du lịch: Gỡ điểm nghẽn pháp lý để khơi thông nguồn lực

NDO -

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, các sản phẩm bất động sản du lịch được phát triển nhiều nhất trong thời gian qua là condotel (căn hộ khách sạn), shophouse và villa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cơ chế pháp lý, chính sách liên quan tới phân khúc này còn nhiều “nút thắt” chưa thể gỡ bỏ. 

GS, TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: BTC)
GS, TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: BTC)

Theo đó, mặc dù sản phẩm bất động sản du lịch chiếm giá trị lớn nhưng chính sách, pháp luật kinh doanh phân khúc này lại chưa đầy đủ, chưa thống nhất và đồng bộ, gây lúng túng cho quản lý Nhà nước tại nhiều địa phương, tạo thành điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư.

Đây cũng là chủ đề chính của Tọa đàm “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam” do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều ngày 21/4 tại Hà Nội.

Những điểm nghẽn pháp lý

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, các sản phẩm bất động sản du lịch được phát triển nhiều nhất trong thời gian qua là condotel (căn hộ khách sạn), shophouse (nhà ở được kinh doanh) và villa (biệt thự).

Ghi nhận nhanh tại 15 địa phương đến hết quý III/2021 cho thấy, tổng giá trị của ba loại sản phẩm này ước khoảng 30 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn trong giỏ hàng thị trường bất động sản.

Ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng Biên tập Reatimes nhận xét, bất động sản nghỉ dưỡng luôn hấp dẫn và duy trì được giá cả ngay khi trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính. Thị trường này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng “bong bóng” bất động sản với nhiều nguy cơ cho nền kinh tế.

Động lực phát triển của nhiều địa phương trong từ 5 đến 7 năm qua chính là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Đây là lĩnh vực thu hút đầu tư hiệu quả và có tác động lan tỏa lớn đến kinh tế-xã hội, thu hút các loại hình kinh doanh mới và đa dạng hóa kinh tế tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển, như: thành phố Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận)… Chính động lực này đã và đang tạo nên nhiều cảm hứng để các địa phương tiếp tục thu hút đầu tư và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch của Việt Nam.

Bất động sản du lịch: Gỡ điểm nghẽn pháp lý để khơi thông nguồn lực -0
Ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tổng Biên tập Reatime phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: BTC)  

Vậy nên, muốn thị trường bất động sản du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, cần có hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ và tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của thị trường này.

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch trong tổng thể phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch của Việt Nam là trọng tâm ưu tiên, giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch, lành mạnh; giúp khai thác tối đa lợi thế của bất động sản du lịch nhất là trong bối cảnh phục hồi và mở cửa trở lại nền kinh tế du lịch.

Theo ông Toan, hiện nay, sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách của chính quyền địa phương đang tạo ra những hệ lụy lớn đối với các nhà đầu tư và khách hàng, làm giảm đi cơ hội tăng trưởng và bứt tốc của những vùng đất tiềm năng.

Bất động sản du lịch: Gỡ điểm nghẽn pháp lý để khơi thông nguồn lực -0
 Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: BTC) 

Cùng với đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp phát triển dự án rất hạn chế nguồn lực về vốn. Trong khi ngân hàng giới hạn việc hỗ trợ vốn thì doanh nghiệp phải kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng khi nhà đầu tư thứ cấp tham gia cùng thì thị trường lại chưa quy định rõ ràng về pháp lý.

“Việc đầu tư của nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn… mà không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh hơn để họ có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường dẫn đến việc kém thanh khoản, rủi ro pháp lý. Điều này đang làm nản lòng các nhà đầu tư thứ cấp và thực tế đã làm giảm sút lực đầu tư vào hoạt động phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong khoảng 3 năm vừa qua”, ông Đính phân tích.

Gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực

Bất động sản du lịch: Gỡ điểm nghẽn pháp lý để khơi thông nguồn lực -0
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu. (Ảnh: BTC) 

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Việt Nam muốn trở thành phát triển du lịch thì phải ưu ái cho loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tháo gỡ khó khăn về pháp lý theo hướng tạo sự hấp dẫn về lợi ích để thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư chính là chìa khóa tạo ra động lực cho loại hình bất động sản này. Do đó, việc sớm có quyết sách tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, gỡ rối cho địa phương là rất cần thiết để phát triển kinh tế du lịch sau một khoảng thời gian dài “nằm yên” vì Covid-19.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, điểm nghẽn pháp lý chính là việc mua và sử dụng các loại hình bất động du lịch, do đó cần các giải pháp để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực từ phân khúc này.

“Trên thực tế, các dự án tự xây lên, tự kinh doanh là điều bình thường. Mong muốn chung của tất cả các nhà đầu tư đều là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài nhưng lại không có. Vướng mắc này cần được gỡ sớm”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way nhận xét, đối với những dự án đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi thì tiếp tục giữ nguyên để bảo đảm tính ổn định, tránh tình trạng sửa sai, nhằm tạo niềm tin cho người dân vào chính quyền.