NDĐT-THỜI NAY-Vào trung tuần tháng 9, Ban Chỉ đạo 127 T.Ư công bố Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg và hai năm thực hiện Chỉ thị 28/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Báo cáo chỉ rõ dù có tới 32 văn bản pháp luật về hàng giả, từ luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… nhưng hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm bất cập.
Luật nhiều mà vẫn thiếu
Theo Cục Cảnh sát kinh tế, hệ thống văn bản pháp luật gồm Bộ luật Hình sự, pháp lệnh xử phạt hành chính, Suật sở hữu trí tuệ (SHTT) đến nay chưa văn bản nào đưa ra khái niệm chính xác về hàng giả, như thế nào là số lượng lớn, bao nhiêu là gây hậu quả nghiêm trọng, như thế nào thì bị xử lý hình sự khi vi phạm về kiểu dáng. Vi phạm về in ấn, xuất bản với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự nhưng bao nhiêu là nghiêm trọng, cơ quan nào thẩm định, chế tài xử phạt thì còn quá nhẹ, tính răn đe kém.
Đây là vấn đề gây khó khăn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu để nhận thức đúng đắn về hàng giả trong công tác điều tra, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả của các cơ quan chức năng. Điển hình như vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả tại Chí Linh, Hải Dương do C46 phát hiện, khởi tố điều tra từ tháng 10-2008, Viện Kiểm sát tối cao quyết định chuyển cho các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Hải Dương xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được về tội danh nên đến nay vụ án chưa được xử lý theo pháp luật, đối tượng sản xuất hàng giả vẫn ngoài vòng pháp luật.
Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, việc xử lý vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng hiện còn có nhiều khó khăn, đặc biệt ở khâu giám định và xử lý vi phạm. Đơn cử, khi thu giữ rượu ngoại không tem, nếu hàng không cùng lô loại, yêu cầu giám định phải làm từng chai và giám định xong phải hủy mẫu, do vậy đến khi có kết quả giám định thì cũng không còn hàng mà thu. Mặt khác, đến nay trên địa bàn Thủ đô chưa có cơ quan nào đảm trách việc thu thập, tổng hợp thông tin đầy đủ về hoạt động thực thi đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả.
Có những chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, nhưng cũng có một số chế tài xử lý vi phạm về hàng giả quá nặng và chưa phù hợp dẫn đến khó thực hiện. Quy định về giả mạo nhãn hiệu vi phạm về SHTT đối với một số lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Nghị định số 106 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHTT thì mức phạt rất cao, gấp 4-5 lần giá trị của hàng hóa vi phạm. Điều này khiến quá trình thực thi sẽ rất khó khăn.
Hiện nay các cơ quan xử lý hành chính trong lĩnh vực hàng giả gồm: QLTT, Hải quan và thanh tra chuyên ngành. Hiện vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng trong khâu kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường (đặc biệt là giữa các cơ quan thanh tra chuyên ngành và cơ quan QLTT). Thí dụ hàng hóa lưu thông trên thị trường thì Cơ quan QLTT và Thanh tra chuyên ngành đều có chức năng xử lý đối với các vi phạm hành chính về hàng giả, chất lượng, nhãn hàng hóa. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy và bỏ sót trong việc kiểm soát thị trường nội địa.
Rất nhiều mặt hàng bị làm giả
Theo thống kê, trong mười năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý hơn 102 nghìn vụ làm hàng giả, vi phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng, Hải quan cả nước xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả hoặc hàng hóa vi phạm quyền SHTT, Cục Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, đấu tranh với 2.615 vụ, trong đó đã khởi tố 426 vụ, 607 đối tượng, xử lý hành chính 2.205 vụ…
Theo nhận định của ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng QLTT, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/1999 về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản cả trong nhận thức và hành động của toàn xã hội trong mười năm qua. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bản quyền thế giới, tình trạng vi phạm về SHTT, đánh cắp bản quyền, sáng chế ở nước ta đã đến mức báo động. Tội phạm về hàng giả chiếm tỷ lệ từ 75% - 85%. Gần như không còn mặt hàng dân dụng nào là không bị làm giả, từ xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, sách và băng đĩa, đặc biệt là tiền giả, hóa đơn chứng từ, tem hàng hóa giả, bao bì hàng hóa giả... Hàng giả bị phát hiện thu giữ gồm cả hàng sản xuất trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài được đưa vào nước ta tiêu thụ.
Hình thức làm giả cũng rất đa dạng, giả về chất lượng, công dụng, giả hoặc nhái nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp của những thương hiệu nổi tiếng hoặc đang được bảo hộ sở hữu công nghiệp, giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đạt mục đích của mình.
Lý giải việc hàng giả gia tăng, ông Nguyễn Hùng Dũng cho rằng: việc xử phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn nhẹ, bỏ lọt nhiều hành vi, nhiều vi phạm nghiêm trọng chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc các biện pháp phi hình sự.
Để công tác phòng ngừa và đấu tranh chống hàng giả có hiệu quả theo tinh thần của Chỉ thị 31/1999/CT-TTg về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả và Chỉ thị 28/2008/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú chỉ đạo, cần rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, vi phạm sở hữu tuệ, hàng kém chất lượng, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng.