Doanh nghiệp lợi, người bệnh khổ
Là một trong những đơn vị đầu tiên hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, từ năm 1999 đến nay, Bệnh viện Thanh Nhàn - bệnh viện đa khoa hạng I của TP Hà Nội đã triển khai 15 đề án xã hội hóa y tế với tổng số vốn huy động là 65 tỷ đồng. Hầu hết các đề án đều được bệnh viện thực hiện theo phương thức thuê máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bệnh viện và đối tác thỏa thuận phân chia lợi nhuận thu về với tỷ lệ doanh nghiệp hưởng từ 80 đến 85%, bệnh viện hưởng từ 15 đến 20%. Phần lớn các hợp đồng thuê có thời gian rất dài, trung bình hơn 10 năm, có đề án hợp đồng kéo dài đến 20 năm.
Không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp thông qua tỷ lệ ăn chia có dấu hiệu bất thường, mà việc xác định giá các dịch vụ khám bệnh bằng kỹ thuật cao của Bệnh viện Thanh Nhàn khi thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác cũng có nhiều điểm vướng mắc. Bác sĩ Ðào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thừa nhận, khi cho đối tác đặt máy, bệnh viện đã không tính toán kỹ lưỡng khấu hao nhà cửa, chi phí điện, nước, nhân công, thương hiệu của bệnh viện để đàm phán tỷ lệ chia lợi nhuận cho hợp lý, khiến cho việc chia cho doanh nghiệp liên kết tỷ lệ lợi nhuận quá cao. Trên thực tế, các nhà đầu tư chỉ đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật đem lại lợi nhuận cao, dẫn đến hệ quả là bệnh viện phụ thuộc vào nhà đầu tư.
Ðợt giám sát của Thường trực HÐND thành phố Hà Nội tại tám bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố vào tháng 4 vừa qua cho thấy, do chưa tách bạch rõ ràng "công - tư" nên tỷ lệ chia lợi nhuận giữa bệnh viện và nhà đầu tư tại các đơn vị đang có sự chênh lệch khá lớn. Tại Bệnh viện Vân Ðình, tỷ lệ này là 50% - 50%; Bệnh viện Tim Hà Nội là 40% - 60%, Bệnh viện Ða khoa Hà Ðông 30% - 70%, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là 30% - 70% trong năm năm đầu và 5 năm tiếp theo là 50% - 50%. Trong đó, các cơ sở y tế của nhà nước luôn được chia phần lợi nhuận nhỏ hơn. Ðiều đáng nói, việc chưa tính giá trị cơ sở hạ tầng, giá trị thương hiệu, nhân công vào cơ cấu giá thành thu phí sử dụng các thiết bị y tế được xã hội hóa đang diễn ra tại hầu hết các mô hình từ bệnh viện cấp I, II, bệnh viện chuyên khoa hay tự chủ tài chính toàn phần. Trong khi đó, việc thu phí sử dụng các thiết bị y tế xã hội hóa này đều được tính theo giá dịch vụ, cao hơn rất nhiều so với mức viện phí Nhà nước quy định. Và đương nhiên, tất cả mức giá này đổ dồn vào người bệnh, tăng gánh nặng cho người dân. Bức xúc trước thực trạng này, nhiều người đặt câu hỏi: Vậy, cơ quan nào điều tiết việc này để bảo đảm lợi ích của người bệnh? Xã hội hóa trong lĩnh vực này là cần thiết, nhưng hầu hết các nhà đầu tư và các bệnh viện chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đổ thêm "gánh nặng" về tài chính lên đầu người bệnh.
Ngoài việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng triển khai công tác xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Tại nhiều bệnh viện, dù trong tình trạng quá tải giường điều trị, nhưng vẫn dành diện tích đáng kể tại các buồng bệnh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kê giường điều trị theo yêu cầu. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ngoài 540 giường bệnh trong kế hoạch được thành phố giao, đơn vị kê thêm gần 250 giường dịch vụ; Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội kê thêm 167 giường, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thêm 290 giường, Bệnh viện Ðức Giang thêm 140 giường... Người bệnh nằm ở khu vực dịch vụ phải trả thêm từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/giường/ngày. Cách làm này đã làm tăng quá tải tại các bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh nghèo, các đối tượng chính sách và cả người bệnh khám, chữa bệnh dịch vụ khi họ phải nằm xen kẽ trong phòng điều trị công lập nhưng phải trả thêm một khoản tiền phí dịch vụ.
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Xã hội hóa giúp các bệnh viện công lập giảm tải một phần, người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nhân viên y tế được nâng cao tay nghề... Nhưng rõ ràng, sau 5 năm triển khai chính sách này, còn không ít bất cập. Với 41 bệnh viện công lập, để thực hiện Nghị quyết số 06 của HÐND thành phố và Ðề án 100 của UBND thành phố giai đoạn 2009 - 2015, ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu huy động hơn 1.700 tỷ đồng từ các đề án xã hội hóa, hiện đại hóa trang thiết bị. Tuy nhiên, tính đến tháng 4-2014, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, hiện có 13 bệnh viện công lập đang triển khai hoạt động xã hội hóa với 40 đề án, thu hút hơn 170 tỷ đồng, mới đạt 10% so với tiến độ.
Vì sao việc triển khai xã hội hóa tại các bệnh viện công lập Hà Nội chậm như vậy? Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do lỗi của cơ quan quản lý trong việc đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, cũng như sự can thiệp của Sở Y tế trong việc đàm phán giữa nhà đầu tư với bệnh viện chưa được sát sao. Một nguyên nhân khác là do các bệnh viện rất khó định giá tài sản, như giá trị sử dụng nhà cửa, đất đai, thương hiệu đơn vị... trong việc góp vốn liên doanh, liên kết, cho nên việc tính giá trị đối ứng vào đề án xã hội hóa chưa được chặt chẽ. Mặt khác, mặc dù Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, TP Hà Nội đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, song có không ít bất cập nảy sinh khi triển khai thực hiện. Thí dụ như Thông tư 15/2007 của Bộ Y tế về hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang, thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập, quy định: "Cơ sở vật chất thực hiện xã hội hóa phải không liên quan đến bệnh viện, có nguồn nhân lực riêng". Trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được quy định đó.
Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, việc thực hiện chính sách xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công lập ở Hà Nội bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được khắc phục, nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa bệnh viện, người bệnh và nhà đầu tư, trong đó quyền lợi người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Ðây là công việc khó, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và cần sự nhận thức đúng đắn về chủ trương xã hội hóa, cùng sự nêu cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong rà soát, điều chỉnh kịp thời những bất cập về cơ chế, chính sách, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.