Bất cập, lãng phí trong đầu tư thiết bị y tế ở Tây Ninh

Thời gian qua, công tác đầu tư các thiết bị, máy móc y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc phân bổ, cấp phát các thiết bị cho các tuyến đang có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, gây lãng phí.

Máy chạy thận của Bệnh viện đa khoa Tây Ninh luôn hoạt động với tần suất cao để phục vụ công tác điều trị.
Máy chạy thận của Bệnh viện đa khoa Tây Ninh luôn hoạt động với tần suất cao để phục vụ công tác điều trị.

Tại TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), nhằm tránh tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên, từ năm 2015, các phường, xã trên địa bàn đã được trang bị một số thiết bị nhập từ nước ngoài khá hiện đại. Tuy nhiên, tần suất sử dụng các thiết bị này đang rất "khiêm tốn". Thí dụ, tại các trạm y tế của phường Ninh Thạnh và xã Bình Minh, các máy siêu âm từ khi được trang bị chưa một lần sử dụng. Hoặc, có xã được trang bị máy điện tim nhưng cả năm, số lần sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự, tại trạm y tế phường 1, đơn vị được cấp một máy điện tim từ năm 2015, nhưng cho đến nay, chiếc máy chỉ mới được sử dụng khoảng 20 lần vào việc đo điện tim cho người già và khám nghĩa vụ quân sự trên địa bàn…

Giải trình về những thực tế này với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh khi đơn vị này khảo sát về tính hiệu quả của việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập trong tỉnh, đại diện Trung tâm y tế TP Tây Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do số lượng người đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã rất ít. Việc trang bị thiết bị y tế không căn cứ vào nhu cầu, thậm chí còn bị chi phối bởi yếu tố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở một số xã, phường trên địa bàn.

Trong khi thiết bị y tế ở nhiều đang rơi vào tình trạng không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng với tần suất rất thấp thì tại các cơ sở y tế tuyến trên, các thiết bị y tế lại rơi vào tình trạng quá tải hoặc cũ kỹ, lạc hậu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh được xem là có trang thiết bị hiện đại, đầy đủ trong hệ thống cơ sở y tế công lập của tỉnh. Hiện, các thiết bị y tế được trang bị đều hoạt động hết công suất, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. Thí dụ, bốn máy chạy thận của bệnh viện đang phát huy hiệu quả, hạn chế việc người bệnh vượt tuyến trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tây Ninh Liêu Chí Hùng cho biết, đơn vị đang rất cần sắm thêm một máy chụp cắt lớp do máy hiện tại đã cũ, lạc hậu.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Ðiều dưỡng - Phục hồi chức năng, ngoài các thiết bị y tế đang sử dụng và phát huy hết công suất thì bệnh viện cần một máy phân tích sinh hóa tự động và hai máy từ trường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh. Trong khi đó, tại Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh, hiện chưa có xe cứu thương, thường xuyên phải nhờ sự giúp đỡ từ các đơn vị khác cùng ngành. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh thì đang có nhu cầu được trang bị thêm một số thiết bị như: Máy đo đường huyết test nhanh, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy X-quang kỹ thuật số phục vụ cho hội chẩn,…

Trong khi đó ở nhiều xã, trang thiết bị chưa được sử dụng hết công suất; có máy nhưng thiếu thiết bị, phụ liệu đi kèm cho nên không thể hoạt động. Nhiều nơi, trang thiết bị y tế không được bảo dưỡng, bảo trì, làm ảnh hưởng chất lượng hoạt động, độ chính xác.

Lãnh đạo Sở Y tế Tây Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng nêu trên là do ở các cơ sở y tế tuyến xã thiếu bác sĩ, nguồn nhân lực bố trí chưa phù hợp. Ngoài ra, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi đến khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Lãnh đạo Sở Y tế đưa ra những giải pháp để khắc phục, như: Khảo sát, bố trí lại trang thiết bị sử dụng chưa hiệu quả ở các tuyến; tổ chức lại khâu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; đẩy nhanh việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở tuyến cơ sở, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị y tế xã theo nguyên tắc ưu tiên nơi cần và có đủ nhân lực.

Báo Nhân Dân đã từng có bài viết đề cập đến sự khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực của ngành y tế, song, đến nay, tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi đang là một bài toán nan giải với Tây Ninh, dù tỉnh đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách, cơ chế đãi ngộ để thu hút. Thậm chí, tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế của tỉnh vẫn diễn ra khá phổ biến. Nếu nguồn nhân lực, không sớm được giải quyết thì việc “cào bằng” trong trang bị thiết bị y tế cho các tuyến sẽ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.