Lạm phát gờ giảm tốc
Gờ giảm tốc là một biện pháp kỹ thuật quan trọng để điều hòa giao thông xuất hiện từ cuối những năm 70 (thế kỷ 20) ở các nước phương Tây. Tại Việt Nam, nó bắt đầu được ứng dụng từ năm 2000 khi Cục Đường bộ xác định đây là một giải pháp cải tạo các “điểm đen” tai nạn giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ quan trọng.
Tính từ năm 2000 đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã cải tạo hơn 200 “điểm đen”, trong đó, đa số sử dụng biện pháp lắp đặt gờ giảm tốc với khối lượng hàng nghìn mét vuông. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... gờ giảm tốc được sử dụng rộng rãi ở các ngã ba, ngã tư, đầu đường nhánh giao cắt với đường ưu tiên.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cụm gờ giảm tốc phát huy tác dụng rõ rệt trong việc ngăn ngừa tai nạn thì tình hình lắp đặt gờ giảm tốc vẫn còn không ít bất cập. Nhiều nơi, gờ giảm tốc được lắp đặt một cách chủ quan; mỗi nơi một kiểu và bố trí ở nhiều vị trí không hợp lý; nơi thì quá mỏng, không có khả năng hạn chế tốc độ, nơi lại quá dày, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, thậm chí còn là nguyên nhân nảy sinh tai nạn.
Bảy cụm gờ giảm tốc dạng con lươn (mỗi cụm 3 gờ, tổng cộng 21 gờ) trên QL70 dài 1km chạy qua khu vực Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Tây) là một thí dụ điển hình. Đây là cụm gờ giảm tốc vào diện “kỷ lục” ở Việt Nam, rộng từ 80 đến 100cm, dày 7-9cm. Các phương tiện rất khó khăn khi đi qua khu vực này, dù chỉ chạy với tốc độ 20km/giờ nhưng cả người và xe đều rung bần bật.
Người dân sống cạnh đây cho biết: Tiếng ồn từ các xe phát ra do tác động với gờ giảm tốc rất lớn; đã có một số trường hợp xe tải bị gãy nhíp; đoạn đường này cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đặc biệt là vào ban đêm, do gờ giảm tốc làm bằng bê tông nhựa màu đen, không được sơn phản quang và khu vực này không có điện chiếu sáng nên đoạn đường này rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn nếu xe máy chạy với tốc độ 35 - 40 km/giờ.
Tình trạng gờ giảm tốc quá “cỡ” còn xảy ra tại nhiều nơi như đoạn đường chuẩn bị lên cầu cạn dẫn tới sân bay Nội Bài; trên QL 2 đoạn lên dốc chuẩn bị giao cắt với đường Thăng Long – Nội Bài; trên QL1A đoạn qua Phủ Lý, Hà Nam (Km 245); trên một số tuyến phố nhỏ ở Hà Nội như: nhánh phố Lương Văn Can nối Hàng Gai với bờ Hồ, phố Hàng Mắm, Hàng Muối, các đầu đường nhánh nối với đường Nguyễn Trãi... Đặc biệt, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt 24 dải sơn gờ giảm tốc đầu đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là không hợp lý vì trên đoạn đường vẻn vẹn 500m có quá nhiều dải gờ giảm tốc cộng độ dày khá lớn (5cm) đã làm hư hại phương tiện, tác động xấu đến sức khỏe người ngồi trên xe.
Bên cạnh đó, lại có tới vài trăm cụm gờ giảm tốc quá mỏng, mỗi cụm bố trí chơ vơ vài ba vạch sơn nên phương tiện đi qua chẳng hề hấn gì, vẫn thoải mái phóng nhanh. Điều này rất dễ nhận thấy trên QL5, 10, 18, 3, 51..., hơn 80% có độ dày từ 3 đến 4mm. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT: hầu hết ô-tô, xe máy không có dấu hiệu giảm tốc khi chạy qua các cụm gờ giảm tốc dày dưới 3mm.
Ý kiến về gờ giảm tốc: Cục Đường bộ Việt Nam: Tự đánh giá có hiệu quả, giảm được TNGT Dư luận xã hội: Qua báo chí nêu có nhiều trở ngại, bất cập Lực lượng CSGT: Muốn duy trì gờ giảm tốc dạng con lươn, sống trâu tại những “điểm đen” TNGT phức tạp như trước cửa Học viện Quân y, (Hà Đông, Hà Tây) để ngăn chặn TNGT. Ý kiến các nhà khoa học: Tán thành biện pháp gờ giảm tốc nhưng cần điều chỉnh về phạm vi áp dụng và cần thống nhất tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt. (Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ GTVT) |
Để gờ giảm tốc không còn là... “cái gai”!
Mặc dù đã thực hiện sáu năm, việc lắp đặt gờ giảm tốc ở Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn ứng dụng; các đơn vị áp dụng khá tùy tiện. Đến nay, Bộ GTVT chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn thiết kế, ứng dụng các loại gờ giảm tốc. Hiện mới chỉ có ba văn bản quy định tạm thời của các dự án phát triển giao thông và của Cục Đường bộ Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, rất ít quốc gia chấp nhận lắp đặt gờ giảm tốc trên quốc lộ, trên các đường trục chính; đa số các nước khuyến cáo chỉ áp dụng biện pháp này cho đường bộ ở vùng nông thôn, thị trấn nhỏ hoặc các đường nhánh trước khi đổ ra đường chính.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thời gian qua, tất cả gờ giảm tốc đều được lắp đặt trên đường trục chính, trên quốc lộ mà rất ít lắp đặt trên đường nhánh, đường phụ. Thực tế này nảy sinh nghịch lý: Phải chăng chúng ta hạn chế lưu thông trên đường chính để ưu tiên lưu thông trên đường phụ? Tình trạng lắp đặt gờ giảm tốc tràn lan trên các đường phố và nhiều đoạn quốc lộ đã trở nên nhàm chán, ít tác dụng.
Theo một cán bộ kỹ thuật thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, tâm lý coi gờ giảm tốc như là “chìa khóa vạn năng” khi cải tạo, xử lý “điểm đen” TNGT chính là nguyên nhân của tình trạng lắp đặt gờ giảm tốc một cách tùy tiện. Thậm chí, có nơi như ở Ninh Bình, Ban ATGT tỉnh còn kiến nghị tăng độ dày gờ giảm tốc lên tới... 10cm!
Trước thực tế trên, Bộ GTVT đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT xây dựng Tiêu chuẩn ngành về gờ giảm tốc đường bộ với các yêu cầu nghiêm ngặt như: Việc lắp đặt gờ giảm tốc phải có điều kiện, khảo sát kỹ lưỡng; gờ giảm tốc phải được làm bằng những vật liệu có độ phản quang, trơn trượt, độ rung (gây ồn); tránh tình trạng lắp đặt tùy tiện, tràn lan... Hy vọng, những giải pháp tích cực đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả gờ giảm tốc, để nó không còn là “cái gai” trên mỗi con đường!