Bất an với tình trạng sạt lở ven sông ở Cà Mau

Sạt lở đất ven sông giờ trở thành vấn đề cấp thiết đối với cư dân vùng sông nước Cà Mau. Các giải pháp căn cơ, dài hơi đã được địa phương tính đến nhưng việc thực hiện không hề đơn giản…
0:00 / 0:00
0:00
Một vụ sạt lở tại khu vực chợ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Một vụ sạt lở tại khu vực chợ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Tuyến sông Kinh 17 (ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) tiếp nhận dòng nước đục ngầu từ sông Tam Giang nối liền ra biển Đông. Chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều nên mực nước chênh lệch khá lớn giữa nước ròng và nước lớn, kéo theo dòng chảy cuồn cuộn. Đây được xác định là “thủ phạm” vừa nhấn chìm hai nhà dân trong khu vực chợ nhà lồng xã Tam Giang.

Bà Lâm Hằng Nghi, hộ dân trong vùng sạt lở chợ nhà lồng xã Tam Giang, bàng hoàng kể lại: “Khoảng 1 giờ sáng ngày 10/5 vừa qua, đang ngủ ngon thì tôi nghe mặt đất chuyển động. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi hô to rồi cùng người thân thoát ra khỏi nhà. Chừng hơn 5 phút sau, hai căn nhà của hàng xóm đã sụp hoàn toàn xuống sông”.

Vụ sạt lở diễn ra rất nhanh cũng khiến cho hai căn nhà khác bị ảnh hưởng một phần kết cấu, trong đó nhà bà Nghi với 50% diện tích (21m2) sàn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Giang Nguyễn Hồng Mơ cho biết, ngay trong đêm, xã cắt cử lực lượng xuống hỗ trợ bà con. Qua kiểm tra sơ bộ, phạm vi khu vực sạt lở dài hơn 20m, sâu hơn 3m nước. Trước đó, tại khu vực trên, xã đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm nên phần lớn tiểu thương không dám ngủ lại qua đêm. Cho nên, bà con chỉ bị hư hỏng nhà cửa, ước tổng thiệt hại tài sản hơn 140 triệu đồng…

Năm Căn là vùng thường xuyên bị sạt lở ở Cà Mau, nhất là vào mùa mưa, bão. Khu vực sạt lở tập trung nhiều tại các xã: Tam Giang, Hàng Vịnh, Lâm Hải và thị trấn Năm Căn. Các điểm nóng sạt lở khác còn xuất hiện tại các huyện phía nam của Cà Mau, như: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân.

Trước đó, vào 0 giờ ngày 9/5, một vụ sạt lở khác đã nhấn chìm khu trại sản xuất giống thuỷ sản của gia đình ông Vương Quốc Định ở ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. Chưa đầy 5 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 11 vụ sạt lở khiến hơn 20 nhà dân bị hư hỏng.

Hơn 5 năm trở lại đây, mỗi năm Cà Mau xảy ra hơn 50 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hại nhà dân và nhiều công trình hạ tầng do nhà nước đầu tư. Phần lớn các vị trí sạt lở nằm ngay khu vực họp chợ, đông dân cư hoặc ngã ba sông, thuận tiện việc kinh doanh, giao thương hàng hóa. Các khu vực này sông sâu, dòng nước chảy mạnh, người dân thường có xu hướng xây dựng nhà lấn nhiều ra mép sông, gây áp lực lên nền đất yếu vô tình “tiếp tay” cho tiến trình sạt lở diễn ra nhanh hơn. Dù vậy, giải bài toán sạt lở hiện nay không phải dễ bởi sinh kế của người dân gắn liền với nơi kinh doanh, buôn bán. Người dân thường chỉ chấp nhận dời đi nơi khác khi nào sạt lở đã làm mất hết nhà cửa của họ.

Hiện, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 100 vị trí đã được ngành chức năng cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Sạt lở đất ven sông là một trong những vấn đề thường xuyên được tỉnh quan tâm tìm giải pháp ứng phó căn cơ, dài hơi. Hai phương án đã được Cà Mau tính đến và đang thực hiện đồng thời là “vừa cố thủ, vừa thoái lui”.

Theo đó, tại những nơi sạt lở nguy hiểm nhưng chưa có hạ tầng trọng yếu, dân cư thưa thớt, tỉnh chọn phương án “thoái lui” bằng cách vận động, di dời dân vào những nơi an toàn, bố trí cấp nền tái định cư. Còn những nơi đã đầu tư hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển và đông dân cư, tỉnh áp dụng giải pháp “cố thủ” bằng cách triển khai công trình kè sông ứng phó sạt lở.

Tại khu chợ Kinh 17, nơi buôn bán sầm uất của xã Tam Giang gắn với nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, công trình kè ven sông đang được triển khai giai đoạn đầu. Huyện Năm Căn cũng đang triển khai công trình kè bảo vệ khu vực chợ thị trấn Năm Căn nằm ven sông Bảy Háp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, cả việc di dời dân và cố thủ hiện đều gặp khó do cần có nguồn vốn lớn để xây dựng hạ tầng, cấp nền tái định cư…

Kinh phí xây dựng 1km kè sông gấp từ 8 đến 10 lần so với 1km kè biển, tương đương khoảng 200 tỷ đồng, vượt xa sức chịu đựng của ngân sách địa phương. Trong điều kiện hỗ trợ ứng phó sạt lở ven sông từ Trung ương cho Cà Mau còn hạn chế, tỉnh ưu tiên thực hiện các công trình cấp thiết tại những vị trí bức xúc nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân…

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Bán đảo Cà Mau, theo các nhà khoa học, có hiện tượng “đói cát” nên bị sạt lở nhiều. Việc này cần có giải pháp mang tính dài hơi. Trong đó, quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển để ứng phó sạt lở cần gắn liền với quy hoạch dân cư và không gian sống của người dân cho phù hợp. Không thể để nơi nền đất yếu nhưng người dân tiếp tục chất tải lên rồi vô tình “tiếp tay” cho sạt lở”.