Bắt 10 bị can tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Hòa Bình

NDO - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về nhận hối lộ và quyết định khởi tố 10 bị can và ra lệnh tạm giam xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S tỉnh Hòa Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Hòa Bình.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, 10 bị can đều có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình gồm: Trịnh Thành Công, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S, Bí thư Chi bộ, sinh năm 1985; Trần Thu Hường, Phó Giám đốc Trung tâm; Kim Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Đăng kiểm, sinh năm 1988; Bùi Trung Linh, Phó trưởng phòng Kiểm định, sinh năm 1990; và các đăng kiểm viên: Vũ Mạnh Tuấn, sinh năm 1983; Nguyễn Xuân Ngọc, sinh năm 1987; Dương Đức Thành, sinh năm 1987; Phạm Thái Sơn, sinh năm 1990; Nguyễn Viết Dương, sinh năm 1990; Ngô Minh Hòa, sinh năm 1993.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2022, mỗi ngày Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S Hòa Bình thu của các chủ phương tiện số tiền từ 4 đến 10 triệu đồng, cuối ngày đăng kiểm viên sẽ nộp lại toàn bộ số tiền cho Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm.

Cuối tháng, Trịnh Thành Công, Giám đốc và Trần Thu Hường, Phó Giám đốc cùng nhau kiểm tra lại tổng số tiền thu được trong tháng để cân đối việc chi tiêu.

Cụ thể, Công và Hường là lãnh đạo Trung tâm được hưởng 10 đến 15 triệu đồng/tháng; Trưởng phòng Kiểm định 12 đến 13 triệu đồng/tháng; Phó phòng Kiểm định 11 đến 12 triệu đồng/tháng; đăng kiểm viên 10 đến 11 triệu đồng/tháng; 3 lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ hồ sơ, Phòng Tổ chức, Phòng Kế hoạch mỗi người 6-8 triệu đồng/tháng; 2 nhân viên Phòng Nghiệp vụ hồ sơ mỗi người 5 đến 8 triệu đồng/tháng…

Thực tế, để việc đăng kiểm xe được nhanh chóng, thuận lợi thì ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, các chủ phương tiện phải nộp trước số tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng cho đăng kiểm viên (kẹp tiền vào hồ sơ đăng ký kiểm định).

Đối với các phương tiện đã nộp tiền kèm hồ sơ, đăng kiểm viên sẽ ưu tiên kiểm tra nhanh chóng, bỏ qua một số lỗi để phương tiện đạt kiểm định. Đối với phương tiện không có tiền kèm theo hồ sơ đăng ký, đăng kiểm viên sẽ gây khó khăn bằng cách “kiểm tra kỹ” phương tiện để phát hiện lỗi và yêu cầu chủ phương tiện phải sửa chữa để kiểm định lại.

Quá trình kiểm tra danh sách các xe cơ giới thực hiện đăng kiểm trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2022 xác định: Có những ngày Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S Hòa Bình thực hiện đăng kiểm cho khoảng hơn 100 xe cơ giới/ngày (có dấu hiệu vượt quá số lượng tối đa có thể thực hiện đăng kiểm khi Trung tâm đăng kiểm chỉ có 2 dây chuyền và 8 đăng kiểm viên trực tiếp thực hiện các công đoạn đăng kiểm).

Hành vi vi phạm của các đăng kiểm viên nêu trên được quy định tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải (Thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).

Mặc dù mỗi lần số tiền các đăng kiểm viên nhận hối lộ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (dưới mức tối thiểu) của cấu thành tội phạm “Nhận hối lộ”. Nhưng căn cứ Điều 10 Nghị quyết số: 03/2020/NQ-HĐTP ngày 3/12/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của các đối tượng vẫn cấu thành tội phạm khung hình phạt tăng nặng quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.