Bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề cấp bách, cần thiết và được ưu tiên tại Việt Nam. Theo báo cáo của UNICEF, khoảng 50% trẻ em trên toàn thế giới chịu ít nhất một hình thức bạo lực mỗi năm.
Tại Việt Nam, số liệu từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cung cấp, năm 2022 cả nước ghi nhận 1.200 trường hợp liên quan đến lạm dụng tình dục. Con số này không chỉ phản ánh thực trạng đau lòng mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, tổ chức nhằm bảo vệ quyền và sự an toàn cho trẻ em.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện, kiêm Trưởng Ban Bảo vệ trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bạo lực và xâm hại trẻ em là một vấn đề đáng báo động, xảy ra trong nhiều môi trường khác nhau, từ trường học đến cộng đồng. Các nạn nhân thường là trẻ em, chưa đủ nhận thức, khả năng tự bảo vệ.
Thống kê từ tháng 2 đến tháng 10/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 54 trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, trong đó có đến 68,5% trẻ bị xâm hại thân thể, 24,1% trẻ bị xâm hại tình dục và khoảng 7,4% bị xâm hại do bị sao nhãng.
![]() |
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện. |
Ông cũng đề cập đến nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các khung pháp lý, tạo nền tảng cho hệ thống bảo vệ trẻ em đa ngành và nhấn mạnh những khó khăn trong quá trình thực hiện để đảm bảo trẻ em và gia đình được tiếp cận dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện.
Phó Giám đốc Cao Việt Tùng cho biết, dự án phối hợp của Bộ Y tế với UNICEF về thành lập Ban Bảo vệ trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương là cần thiết, nhằm tăng cường cơ chế phối hợp, điều phối trong và ngoài Bệnh viện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, điều trị, bảo vệ trẻ em trong ngành y tế. Chúng tôi hy vọng, những bài học từ mô hình này có thể lan tỏa đến các bệnh viện trên toàn quốc.
Tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khánh thành Phòng Tham vấn, hỗ trợ trẻ em tại Bệnh viện. Phòng Tham vấn được xây dựng và trang bị hiện đại, là điểm đến tin cậy, nơi trẻ em bị xâm hại và gia đình có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các chuyên gia. Sự kiện khánh thành Phòng Tham vấn, hỗ trợ trẻ em và ra mắt Ban Bảo vệ trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương là một bước tiến quan trọng, góp phần vào sứ mệnh xây dựng môi trường an toàn và phát triển cho trẻ em.
![]() |
Mô hình phòng can thiệp, bảo vệ cho trẻ em. |
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan – Ban Bảo vệ trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mô hình Ban Bảo vệ trẻ em gồm có: Trưởng ban (Phó Giám đốc Bệnh viện), Phó Trưởng ban, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội, cán bộ tâm lý, cán bộ pháp lý và cộng tác viên.
Bệnh viện đã xây dựng, thực hiện các quy trình phát hiện, tiếp nhận, chăm sóc cho trẻ nghi ngờ bị xâm hại, ban hành các tài liệu hướng dẫn thực hành hoạt động chăm sóc và bảo vệ cho trẻ bị xâm hại khi đến thăm khám. Bệnh viện cũng kết nối, phối hợp liên ngành với Bộ Y tế, Bộ Công an,… để hỗ trợ cho trẻ và gia đình kịp thời.
![]() |
Bà Michaela Bauer – Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam. |
Bà Michaela Bauer – Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chúc mừng Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiên phong trong việc thành lập Ban Bảo vệ trẻ em. Bà cũng bày tỏ mối lo ngại trước thực trạng bạo lực trẻ em vẫn là vấn đề toàn cầu, với 1 tỷ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và hàng triệu trẻ đang gặp rủi ro cả trong đời thực và không gian mạng. Ước tính thiệt hại do bạo lực ở trẻ em gây ra lên đến 2%-8% GDP toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
“Bệnh viện là nơi tiếp xúc đầu tiên của các nạn nhân, do đó, chúng ta cần phải thúc đẩy các phương pháp tích hợp đa ngành để đáp ứng một cách toàn diện nhu cầu bảo vệ trẻ em và phụ nữ”, bà Michaela Bauer cho hay.