Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy

Hội thảo là dịp để các tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức về tính cấp bách trong việc tham mưu với Đảng đề ra và xác định chính xác tầm nhìn mới, tư duy mới, nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc trong nghị quyết mới trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Sáng 7/6, tại Hà Nội, Bộ Công an, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; nhìn lại 10 năm qua và dự báo bối cảnh tình hình đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Hội thảo nhằm làm rõ, phân tích sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn vận dụng quan điểm hết sức quan trọng này trong giai đoạn vừa qua; kiến nghị, đề xuất những nhận thức mới phục vụ công tác tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần đẩy mạnh triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII theo tinh thần của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ.

 Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy ảnh 1
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ trì và điều hành hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng GS, TS Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng nhiều nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, khẳng định: Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Công an nhân dân trong việc tiếp tục cụ thể hóa, thực tiễn hóa và triển khai quan điểm chiến lược: “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong tình hình mới. Hội thảo cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm tham mưu với Đảng bổ sung, phát triển nhận thức về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình mới.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã làm sâu sắc hơn nhận thức, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Vai trò của của kinh tế, văn hóa... trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhấn mạnh việc chăm lo, xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần tạo nên nền tảng, sức mạnh nội sinh của đất nước để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nêu bật vai trò nòng cốt và những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước và sự giúp đỡ của Nhân dân. Nhất là kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Các ý kiến tham luận tham gia tại hội thảo cũng tập trung đánh giá, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều cách làm hay, giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy ảnh 2

Đại tướng Tô Lâm phát biểu bế mạc hội thảo.

Kết luận hội thảo, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: Bảo vệ Tổ quốc trong thời bình không chỉ là đối phó với hành động vũ trang xâm lược của kẻ địch từ bên ngoài, mà còn phải đặc biệt chăm lo xây dựng và giữ vững bên trong, đối phó với những thủ đoạn hoạt động phi vũ trang của địch.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà là sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ. Lấy sức mạnh kinh tế, chính trị làm cơ sở; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh lòng dân, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Kết quả hội thảo đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hội thảo đã làm sáng rõ những thành tựu nổi bật của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhất là 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Đồng thời, chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu, cần tiếp tục thấu triệt như: Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Không ngừng phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng vũ trang nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc. Toàn hệ thống chính trị phải gắn kết máu thịt, chặt chẽ với quần chúng nhân dân, chăm lo xây dựng phong trào quần chúng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận của lòng dân; xây dựng nền, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, gắn kết chặt chẽ với nền, thế trận quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh gắn kết chặt chẽ với thế trận lòng dân vững chắc, tạo thế trận tổng hợp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Tổ quốc để đất nước không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị sau hội thảo, các đơn vị trong Công an nhân dân tiếp tục tham gia và có những đóng góp tích cực trong quá trình tổng kết nghị quyết. Cục Khoa học, Chiến lược và lịch sử Công an, Văn phòng Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại hội thảo, tiếp tục tham mưu, đề xuất trong quá trình tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương.