“Quan họ đoàn” phát triển
Ngày 30- 9- 2009, dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong Công ước 2003 về bảo vệ văn hóa phi vật thể, tổ chức này dùng hai thuật ngữ:“Bảo vệ”(safeguarding) và “Cộng đồng” (community) là các khái niệm cơ bản trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Khái niệm “Bảo vệ” theo Công ước 2003 là một tập hợp các biện pháp có mục tiêu nhằm: nhận diện; tư liệu hóa; nghiên cứu; phục hồi; bảo tồn; củng cố, truyền dạy và phát huy cũng như làm sống lại mọi khía cạnh đa dạng của di sản. Điều 2 của Công ước chỉ ra rằng di sản văn hóa phi vật thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được các cộng đồng và các nhóm không ngừng tái tạo và hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục.
Để bảo vệ di sản văn hóa một cách bền vững, cộng đồng chủ thể văn hóa phải là người có vai trò quyết định. Tuy nhiên vai trò của các cấp chính quyền, của ngành văn hóa trong việc hỗ trợ, định hướng, phát huy, quảng bá... cũng rất quan trọng.
Sau khi được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hoa tinh thần của nhân loại, mới chỉ hai năm qua, nhưng những cố gắng đã được ghi nhận. Nhiều cuộc thi, hội diễn Quan họ được tổ chức. Ban giám khảo gồm nhiều nghệ nhân nổi tiếng từ các làng quan họ. Tiêu chí tối thiểu để dự thi là phải hát được ít nhất 50 “câu” quan họ. Con số này cũng đã là nhiều lắm khi phần lớn mọi người chỉ biết về Quan họ qua vài bài “nghe quen quen trên đài”.
Ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đề án nâng cấp Đoàn Quan họ Bắc Ninh cũng thành Nhà hát Quan họ Bắc Ninh đã được phê chuẩn. Mới đây, Đoàn đã có nhiều buổi trình diễn cả trong và ngoài nước. Khoa Quan họ đã được thành lập trong Trường nghệ thuật Bắc Ninh. Đề án đưa Quan họ vào trường phổ thông cũng đã được trình lên chờ phê duyệt và thực hiện trong tương lai gần.
Các hoạt động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để sưu tầm, nghiên cứu, thống kê, hệ thống hóa tư liệu về Quan họ và văn hóa Quan họ cũng được tỉnh xúc tiến tích cực...
Tôn vinh “Quan họ làng”
Cộng đồng là những người nắm giữ và thực hành di sản, giữ vai trò vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người hưởng thụ (và hưởng lợi) các sinh hoạt văn hóa đó. Di sản văn hóa phi vật thể phải mang tính truyền thống, đang sống và được các cộng đồng công nhận không chỉ vì đó là tài sản của họ mà còn vì tầm quan trọng đối với bản sắc của họ. Các hoạt động bảo vệ cần tạo điều kiện thuận lợi để các cộng đồng tiếp tục trình diễn và thực hành văn hóa mà họ đang lưu giữ và truyền dạy.
Xác định vai trò chủ thể của cộng đồng và cùng với cộng đồng làm cho di sản Quan họ và những truyền thống văn hóa Quan họ sống trong cộng đồng một cách bền vững đang là vấn đề đặt ra với Bắc Ninh nói riêng, với “Vùng văn hóa quan họ Kinh Bắc” và với cả quốc gia nói chung.
Cùng với những hoạt động “chính thức”, “chính thống” có sự hỗ trợ và tham gia của các cấp, các ngành. Những hoạt động đậm tính dân gian của “quan họ làng”, của những câu lạc bộ, những lớp “quan họ nhí” do nghệ nhân các làng quan họ truyền dạy cũng được khuyến khích. Các nghệ nhân được ưu ái, trọng dụng vì vai trò không thể thiếu của họ với việc bảo tồn và phát huy văn hóa quan họ. .
Di sản văn hóa phi vật thể là “di sản sống”. Bảo vệ những “di sản sống” đó cũng là bảo vệ con người - bảo vệ các nghệ nhân/các báu vật nhân văn sống. Quan họ được “nối dòng” bằng những con đường, bằng những con người bình dị. Những nghệ nhân tích lũy vốn văn hóa quan họ trong kho ký ức những câu hát của mình. Họ đang âm thầm làm công việc bồi dưỡng “lực lượng hậu bị” cho Quan họ được nối dòng.
Ở làng Diềm từ nhiều năm trước đã có và đến nay vẫn duy trì được hai lớp “quan họ nhí” do các nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm dìu dắt. Các nghệ nhân đã dạy hát tại nhà cho từng nhóm các cháu học sinh yêu thích quan họ để phục vụ cho ngày hội của làng, phục vụ các đoàn khách du lịch trước khi các lớp học được tổ chức chính quy hơn tại Đền thờ Vua bà - Thủy tổ Quan họ... Mô hình các lớp “quan họ làng” còn có ở nhiều làng quan họ khác Đặng Xá, Lộ Bao, Hữu Chấp với chị Quýnh, anh Hiển, chị Hoàn, anh Thống.....
Các nghệ nhân và các cháu “quan họ nhí” kia chính là vốn quý để dòng chảy quan họ được tiếp nối liên tục, bền bỉ. Đã bao đời, các làn điệu quan họ, văn hóa quan họ được nuôi dưỡng, được kế thừa và phát triển trong dân gian như vậy. Và chúng ta có thể hy vọng sự tiếp nối trường tồn của quan họ khi nhìn thấy ngọn lửa đam mê quan họ trên quê hương của di sản văn hóa này đang được những thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau âm thầm, bình dị mà kiên trì. Điều này được UNESCO khuyến nghị và đánh giá cao. Sự quảng bá và hỗ trợ Quan họ phát triển đang được tăng cường hơn với Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh thành lập ngày 12- 7- 2011, và chuẩn bị Đại hội trong tháng 10- 2011... Đến nay Hội đã có gần 1800 hội viên, nhiều Hội viên là người nước ngoài và người Việt sống ở nước ngoài. Điều này đã mở ra một hướng khác và mới trong việc phát triển ngoại giao nhân dân về văn hóa, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ cho các di sản nói chung.