Liên hợp quốc kêu gọi bảo vệ các nhân viên cứu trợ nhân đạo

Liên hợp quốc thông báo, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 60 nhân viên cứu trợ nhân đạo bị cướp đi sinh mạng khi thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực xung đột trên khắp thế giới. Bạo lực nghiêm trọng cùng nguồn kinh phí eo hẹp đang cản trở hoạt động nhân đạo, vốn được ví như hành trình gieo hy vọng và sự sống cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Afghanistan nhận lương thực viện trợ từ Chương trình Lương thực thế giới, tại Kandahar. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân Afghanistan nhận lương thực viện trợ từ Chương trình Lương thực thế giới, tại Kandahar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Nam Sudan là nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với nhân viên cứu trợ nhân đạo. Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Nam Sudan xảy ra 40 vụ tấn công nhằm vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo, khiến 22 người chết. Sudan cũng là một địa điểm nguy hiểm, với 17 vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 19 nhân viên cứu trợ. Thực trạng tương tự cũng xảy ra tại các quốc gia như CH Trung Phi, Mali, Somalia, Ukraine, Yemen…

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths chỉ ra rằng, số nhân viên cứu trợ nhân đạo chết hằng năm trong khi làm nhiệm vụ nhiều gấp gần sáu lần số nhân viên không qua khỏi trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào trụ sở Liên hợp quốc ở Baghdad, Iraq hồi năm 2003.

Số nhân viên cứu trợ nhân đạo chết hằng năm trong khi làm nhiệm vụ nhiều gấp gần sáu lần số nhân viên không qua khỏi trong vụ đánh bom liều chết nhằm vào trụ sở Liên hợp quốc ở Baghdad, Iraq hồi năm 2003.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths

Với lòng nhiệt huyết và tinh thần quả cảm, những nhân viên cứu trợ nhân đạo được ví như các “sứ giả hòa bình”, luôn nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ cao cả bảo vệ người dân. Tuy nhiên, sự khốc liệt của chiến tranh, xung đột cùng các cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào những người làm công tác nhân đạo gia tăng càng khiến họ đứng trước nhiều rủi ro.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhận định, phần lớn xung đột diễn ra trong nội bộ các quốc gia, nơi có các nhóm phiến quân vũ trang và chúng có xu hướng nhắm mục tiêu tấn công vào dân thường cùng các nhân viên hoạt động nhân đạo. Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài những nhân viên đã chết còn có 84 nhân viên bị thương và 34 trường hợp bị bắt cóc.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài những nhân viên đã chết còn có 84 nhân viên bị thương và 34 trường hợp bị bắt cóc.

Ðể góp phần bảo đảm an toàn cho các nhân viên hỗ trợ nhân đạo, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) mới đây đưa ra sáng kiến, theo đó các xe robot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phân phát các gói thực phẩm đến những khu vực xảy ra xung đột, thiên tai.

Nam Sudan dự kiến là nơi đầu tiên được triển khai dự án này. Hiện khoảng 7,7 triệu người tại Nam Sudan đứng trước tình trạng thiếu lương thực trầm trọng khi thời tiết cực đoan gây khó khăn cho công tác hỗ trợ nhân đạo.

Kinh phí eo hẹp cũng là một vấn đề mà các dự án nhân đạo phải đối mặt. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 20% khoản kinh phí cần thiết trong nửa đầu năm 2023.

Quan chức này cũng cảnh báo, tình trạng thiếu kinh phí kéo dài, cũng như nhu cầu cứu trợ nhân đạo ở mức kỷ lục đang đẩy hệ thống cứu trợ tới trạng thái “nguy kịch”.

Cũng bởi lý do thiếu kinh phí mà WFP buộc phải đình chỉ công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Yemen vào tháng 8/2023. Ðiều này sẽ tác động lớn đến 2,4 triệu đối tượng dễ bị tổn thương ở Yemen.

Giới chức WFP nhận định, sự thiếu thốn kinh phí của các dự án nhân đạo khiến những người đang ở cấp độ “khủng hoảng” của nạn đói sẽ rơi vào cấp độ “thảm họa”. Như một vòng luẩn quẩn, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo vì thế lại tiếp tục gia tăng.

Theo Liên hợp quốc, số người cần viện trợ nhân đạo hiện nay đã tăng lên mức kỷ lục là 362 triệu người.

Theo Liên hợp quốc, số người cần viện trợ nhân đạo hiện nay đã tăng lên mức kỷ lục là 362 triệu người. Nhu cầu viện trợ gia tăng, song lý do gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn không thay đổi, đó là xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế.

Nhân Ngày Nhân đạo thế giới (19/8) năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, hàng trăm nghìn nhân viên cứu trợ trên toàn cầu đã cống hiến cuộc đời mình để giúp những người đang gặp khó khăn; họ là đại diện cho những điều tốt đẹp của nhân loại. Các nhà lãnh đạo trên thế giới cần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ các nhân viên hoạt động nhân đạo, cũng như nỗ lực giải quyết xung đột, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.