Bảo vệ nguyên vẹn Thủ đô trước ngày tiếp quản

Ít ai biết rằng để có được cuộc tiến quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954, chúng ta đã phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng. Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô - Sư đoàn 308) khi ấy được Trung ương tin tưởng, lựa chọn giao nhiệm vụ bảo vệ những địa bàn quan trọng của Thủ đô từ ngày 8 đến 10/10, không cho địch phá hoại.
Các tầng lớp nhân dân Thủ đô chào đón bộ đội giải phóng sáng 10-10-1954.
Các tầng lớp nhân dân Thủ đô chào đón bộ đội giải phóng sáng 10-10-1954.

Hai ngày sống trong lòng địch là thử thách lớn và kỷ niệm không bao giờ quên đối với những người lính Tiểu đoàn Bình Ca.

Đã 60 năm trôi qua nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng khi về tiếp quản Thủ đô dường như vẫn vẹn nguyên đối với Đại tá Lê Duy Tư hiện sống tại phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca năm ấy. Rưng rưng xúc động, nhưng giọng nói của người Đại tá đã bước qua tuổi 80 vẫn đầy nhiệt huyết. Ông kể, cuối tháng 9/1954, Tiểu đoàn Bình Ca được giao nhiệm vụ chọn 214 đồng chí để thành lập 35 tổ về tiếp quản Thủ đô. Một số tổ có nhiệm vụ vào Hà Nội phối hợp với binh sĩ Pháp chốt chặn, canh gác 35 vị trí quan trọng nhất trong nội thành lúc đó gồm các công sở, nhà máy điện, nhà máy nước, các cơ sở giao thông công chính, bưu điện, đường sắt, xe điện... Trước khi đi, bộ đội ta đã được quán triệt tinh thần phải bằng mọi giá giữ được Hà Nội thật trọn vẹn, yên bình, không để địch phá hoại, hay gây lộn xộn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho đội quân vào tiếp quản, góp phần nhanh chóng ổn định, tái thiết sau chiến tranh. Đại tá Lê Duy Tư phân tích, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tuyệt đối bí mật, nhưng cũng rất cam go vì phải độc lập tác chiến, trong khi quân Pháp vẫn đóng chốt tại Hà Nội.

Nhận nhiệm vụ, Tiểu đoàn Bình Ca di chuyển từ thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) sang đóng quân ở Phù Lỗ, nay thuộc huyện Sóc Sơn. Cán bộ, chiến sĩ được trang bị tiểu liên "tuyn" (chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp ở Điện Biên). Dù đã từng tham gia nhiều trận chiến, trong đó có trận Điện Biên Phủ lừng lẫy, nhưng khi nhận nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô trước ngày tiếp quản, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca không ít bỡ ngỡ. Đại tá Lê Duy Tư nhớ lại kỷ niệm đầy thú vị "Anh em trong tiểu đoàn tuy đều dày dạn chiến trận, nhưng hầu hết toàn xuất thân từ các vùng quê nghèo, chẳng mấy khi được nhìn thấy đèn điện, nước máy. Những đồng chí vốn ở Hà Nội từng được sử dụng những thiết bị này phải tập huấn cho mọi người cách bật, tắt công tắc điện, cách mở và khóa vòi nước máy thế nào...".

Thay vì đối đầu ở hai chiến tuyến, nhận trọng trách quan trọng bảo vệ Thủ đô lần này, các chiến sĩ tiểu đoàn Bình Ca thực hiện nhiệm vụ ngay trong lòng địch. Biết chắc sẽ còn nhiều khó khăn, bất ngờ phía trước nhưng chiến sĩ trẻ Lê Duy Tư cùng các đồng đội của mình khi ấy luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ giữ Thủ đô nguyên vẹn trước giờ tiếp quản.

Ngày 8-10-1954, trời Hà Nội đầy mây, thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ. Chưa đến 6 giờ sáng, Tiểu đoàn Bình Ca đã hành quân tới cầu Đuống. Khoảng 8 giờ, từ bên kia cầu, một viên quan ba Pháp cùng với đại diện Ủy ban Liên hợp đình chiến sang làm các thủ tục đón tiếp. Sau đó, Tiểu đoàn Bình Ca xếp hàng đôi tiến qua cầu Đuống, lên 25 xe GMC và có xe hộ tống đi vào nội thành, đích đến đầu tiên là nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 bây giờ). Đến nơi đã thấy bác sĩ Trần Duy Hưng, Tướng Vương Thừa Vũ đón và trực tiếp giao nhiệm vụ cho 35 tổ công tác. Đội của Đại tá Tư gồm năm người được phân công về chốt tại Tòa án tối cao.

"Khi đến nơi, đã có một tên quan ba và bốn lính ra đón. Thấy chúng tôi anh nào cũng bé nhỏ, gày gò, chúng ngạc nhiên lắm và cũng rất phục sau Chiến thắng Điện Biên Phủ cho nên cũng không dám có thái độ gì. Trong đội, chẳng anh nào biết tiếng Pháp, lại trực diện với quân địch ở không gian tương đối xa lạ, cho nên lúc đầu cũng tương đối căng thẳng. Một đồng chí được cử ra chiếm bốt gác ngay, còn anh em cắt cử đi xem xét, tuần tra chung quanh. Đêm hôm ấy chúng tôi trải chiếu nằm ở tầng một, trời mưa, hàng sấu phía trước tòa nhà rụng quả lộp bộp suốt đêm, không ai ngủ được. Thật lạ là những ngày ở rừng, thiếu thốn đủ bề mà đặt lưng là có thể ngáy pho pho được, vậy mà giữa ngôi nhà lớn lại không thể chợp mắt", Đại tá Tư bồi hồi nhớ lại.

Cũng may là tại chốt Tòa án tối cao mọi việc đều yên ổn. Tuy nhiên cũng có nơi tình hình khá phức tạp. Như sự việc tại Nhà máy Nước Yên Phụ, khi binh sĩ đối phương định đưa các bao bột đặt quanh giếng nước lọc. Cơ sở cách mạng của nhà máy nghi vấn trong các bao bột này có chứa chất độc, cho nên đã bí mật liên hệ với bộ đội ta bàn nhau đấu tranh ngăn chặn.

Sau một hồi đàm phán cương quyết, địch đã phải chuyển những bao tải bột đáng nghi ngờ ấy lên xe ô-tô mang đi nơi khác...

Hai ngày sống trong lòng địch, cận kề với hiểm nguy, nhưng đối với các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca là quãng thời gian không thể quên.

Vào ngày 10-10-1954 trong khi cả Hà Nội rợp trong sắc đỏ của cờ và hoa đón đại đoàn quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vẫn bám trụ tại các mục tiêu quan trọng chờ bàn giao cho các đơn vị khác, rồi lặng lẽ theo đơn vị rời Hà Nội... Những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca đã góp phần không nhỏ trong niềm vui chung của Ngày Giải phóng Thủ đô.