Các khách mời tham dự Tọa đàm gồm: ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Lê Quốc Vinh, Nhà báo, Chuyên gia truyền thông; Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội; ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect.
Các khách mời đã cùng nhau thảo luận, tìm ra phương pháp tiếp cận cũng như nhận diện, xử lý tin giả một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, tin giả ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, người dân. Thực ra tin giả không phải gần đây mới xuất hiện, tuy nhiên dưới sự phát triển của mạng xã hội, nên thông tin giả khuyếch trương, tác động rất kinh khủng.
Trước đây tin đồn cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên "một ngày đẹp trời" có một chỗ nào đấy đăng tin những tác động tiêu cực của sản phẩm của họ - chẳng hạn ăn có thể bị ung thư. Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng rất lớn, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng, người ta đang kiểm định, đang tìm hiểu thì sẽ gây thiệt hại rất lớn. Một xu hướng điển hình nữa là chủ doanh nghiệp bị đồn là bị bắt hoặc bị bệnh tật. Có rất nhiều hình thức như vậy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn.
Những năm gần đây, đặc biệt với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam thì tin giả ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn. Theo đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động. Tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật.
Và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với "bóng ma", vì trước đây nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai? Cho nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn.
"Tình trạng này có thể chỉ có cơ quan chức năng với bộ máy, với kỹ thuật và thẩm quyền của mình mới có thể lần ra được nó ở đâu ra. Tác động của tin giả đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất khủng khiếp, nó có thể làm cho một doanh nghiệp có thể sụp đổ, và đằng sau đó là rất nhiều việc làm thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm. Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực", ông Đậu Anh Tuấn nói.
Trong khi đó, theo nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, trong kỷ nguyên số, càng cởi mở bao nhiêu thì sẽ tạo ra cơ hội tiếp xúc với công chúng, trực tiếp giải thích các vấn đề công chúng đang băn khoăn, lo lắng. "Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Tính minh bạch là chúng ta sẽ chủ động nói với công chúng ngay cả khi những điều công chúng chưa quan tâm đến, thì chúng ta đã nói cho công chúng biết rồi" - Nhà báo Lê Quốc Vinh chia sẻ.
Với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thì đừng bao giờ để đến khi công chúng thắc mắc một vấn đề gì đó, họ phải tự đi tìm kiếm thông tin. "Mình là người chủ động đưa ra thông tin ngay khi mình đo lường sức nóng vấn đề, thì nó mới tạo ra niềm tin cho công chúng. Khi để họ băn khoăn, lo lắng đi tìm hiểu vài ba ngày, thậm chí vài ba tuần rồi mới trả lời thì ta đi sau truyền thông và lúc đó khó lấy lại niềm tin từ công chúng".
Truyền thông bây giờ là đi bước một bước, đi trước là dự báo được câu chuyện gì sẽ cần phải nói, thông tin gì sẽ cần được đưa ra. Có điều gì không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức thì phải đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính mình, như trên các trang điện tử, trang web, Fanpage. Khi mà có vấn đề, ta chọn dữ liệu, thông tin có sẵn đó để thông tin.
Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, từ quan điểm cá nhân, tin giả, tin sai sự thật có thể gọi đó là những hành vi vi phạm pháp luật, nằm trong bối cảnh chung của đất nước ta là ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao. Đó chính là môi trường xấu về vi phạm pháp luật, thượng tôn pháp luật còn kém. Trong môi trường xấu thế, tin giả hay những hành vi vi phạm pháp luật nhiều là tất yếu. Chẳng qua tin giả nhiều vì rất dễ thực hiện, chỉ cần một điện thoại thông minh, bấm, phát tán và có người tò mò.
Nếu chúng ta không xây dựng được nhà nước pháp quyền, xây dựng được ý thức thượng tôn pháp luật từ cấp tiểu học, trung học thì không giải quyết được. Để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.
Để ngăn chặn việc này, báo chí không thể đứng ngoài cuộc được. Phản ứng của các cơ quan chính thống đôi khi cũng hơi chậm so với mạng xã hội. Có nhiều tin là tin thật, mạng xã hội đưa trước mấy ngày thì lúc đó báo chí mới vào cuộc. Như vậy, lỗi truyền thông chính thống cũng có.
Về việc xử lý tin giả, Luật sư đồng ý là mức chế tài phải nghiêm khắc hơn, nhưng điều quan trọng phải lưu ý đó là ở Việt Nam, có những hệ thống pháp luật như đấu thầu rất chặt chẽ, nhưng liên tục có hành vi vi phạm đấu thầu trong thời gian qua...