Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa có mặt ngay những ngày đầu tiên Hải Dương bước vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Một trong ba nguyên tắc vàng trong điều trị được ông đưa ra ngay từ đầu với tâm dịch Hải Dương là phải bảo vệ được những bệnh nhân nền, bệnh nhân thận nhân tạo.
TTYT huyện Ninh Giang là một trong những cơ sở y tế tuyến huyện có số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo đứng thứ 2 trong toàn tỉnh Hải Dương với 72 bệnh nhân thuộc địa bàn ba tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng.
Bác sĩ Đặng Văn Nguyên, Giám đốc TTYT huyện Ninh Giang cho biết, ngay từ đầu, trung tâm đã xác định phải quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân yếu thế trong phòng chống dịch Covid-19. Bệnh nhân chạy thận ngày thường đã khó trăm bề nay lại càng khó khăn hơn.
Đặc biệt, đối với các bệnh nhân ngoại tỉnh, các y, bác sĩ không chỉ chú trọng đến công tác điều trị để bảo đảm an toàn, mà còn cố gắng tối đa để người dân có nơi ăn nghỉ bảo đảm hồi phục sức khỏe trong những ngày không thể trở về với gia đình.
Những ngày qua các bác sĩ của đơn vị Thận Nhân tạo thuộc Khoa Hối sức Cấp cứu, TTYT huyện Ninh Giang vất vả hơn hẳn ngày thường. Bác sĩ Quách Xuân Loan, phụ trách đơn vị từ Tết nay chưa về thăm vợ con. BS Loan tâm sự, dù không được về nhà, nhưng anh lại được đồng hành cùng những bệnh nhân chạy thận. Những bệnh nhân mà mình coi như người thân vì điều trị gần như thường xuyên.
Đặc biệt, gần một tháng qua, 17 bệnh nhân ngoại tỉnh điều trị tại TT Y tế Ninh Giang không thể trở về nhà. Giám đốc của TTYT Ninh Giang và các y, bác sĩ đã đi gặp từng nhà dân để thuê trọ cho bà con.
17 bệnh nhân thận nhân tạo được chia làm hai khu ở: nhà trọ trong dân và trường THCS Thành Nhân. Bệnh nhân Nguyễn Xuân Minh (73 tuổi, quê Thái Bình, chạy thận bốn năm tại TTYT Ninh Giang) nghẹn ngào tâm sự, bệnh nhân chạy thận nghèo tiền, nghèo bạc mà lắm lúc nghèo luôn cả nụ cười vì mỗi lần chạy thận xong về chỉ muốn nghỉ ngơi. Những lúc như thế này, được các y, bác sĩ quan tâm nên ai cũng thấy ấm áp.
Cũng ở lại Ninh Giang những ngày vừa qua, anh Nguyễn Hữu Sơn (34 tuổi, chạy thận đã 10 năm) tâm sự: “Chúng tôi may mắn khi được ở đây trong những ngày này. Cơm thì đã có căng tin bệnh viện. Tắm giặt thì có nóng lạnh của nhà trường. Vậy là tạm ổn cho cuộc sống rồi. Đời tôi mang ơn các y, bác sĩ lắm. Không có họ làm sao tôi sống được đến bây giờ”.
Trong cuộc chiến tại Hải Dương, có những người lao mình vào tuyến đầu chống dịch, người ở lại bảo vệ cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Giữa những khó khăn, căng thẳng của dịch bệnh, mỗi nhân viên y tế đều có nhiệm vụ riêng, thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng người bệnh và hết mình vì sức khỏe và sự an toàn của người bệnh.