Cùng suy ngẫm

Bảo vệ an toàn cho trẻ em dịp nghỉ hè

Thời gian qua, tình trạng tai nạn đuối nước trẻ em ở những hồ nước tưới tiêu, nhất là những hồ nước phục vụ tưới cây ăn quả, cà-phê ở Tây Nguyên trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Vụ 3 trẻ em bị đuối nước ở hồ nước tưới cây tại Lâm Đồng năm 2020.
Ảnh minh họa: Vụ 3 trẻ em bị đuối nước ở hồ nước tưới cây tại Lâm Đồng năm 2020.

Dù các địa phương đã triển khai công tác phòng chống, áp dụng nhiều biện pháp phòng tránh, song, những ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp này vẫn đang là những “cái bẫy” cướp đi nhiều sinh mạng trẻ nhỏ.

Vào dịp hè, khi các em được nghỉ học, nguy cơ tai nạn đuối nước càng gia tăng. Chúng ta không thể quên những vụ việc đau lòng như ngày 8/4, anh em sinh đôi (sáu tuổi, tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cùng nhau đi chơi, đến tối gia đình không thấy hai cháu về nên cùng tỏa đi tìm và phát hiện cả hai tử vong dưới hồ nước tưới cà-phê.

Hay trong hai ngày 18 và 19/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra hai vụ đuối nước tại hồ nước tưới tiêu của người dân, làm bốn trẻ nhỏ (từ ba đến năm tuổi) tử vong. Cũng trong hai ngày này, tại Lâm Đồng xảy ra hai vụ đuối nước làm năm trẻ nhỏ (từ ba đến 10 tuổi) thiệt mạng.

Gần đây nhất, ngày 9/7, khi đi làm về, anh Hoàng Đình Long (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) không thấy các con nên đi tìm. Sau đó, con gái út (bốn tuổi) chạy về, chỉ tay về hồ nước tưới cà-phê của gia đình hàng xóm.

Nghĩ chuyện chẳng lành, anh Long liền lao xuống hồ thì phát hiện hai con là bé gái tám tuổi và bé trai năm tuổi đã bị đuối nước… Thời gian qua, ở khu vực Tây Nguyên đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn đuối nước đau lòng như thế.

Tại Tây Nguyên, cùng với hệ thống sông, suối, hồ thủy lợi dày đặc, toàn vùng có hàng chục nghìn hồ tưới do người dân tự đào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Qua những vụ tai nạn đuối nước tại những ao, hồ phục vụ tưới tiêu ở Tây Nguyên cho thấy, các kỹ năng phòng tránh đuối nước thông thường bấy lâu vẫn chưa đủ để ngăn chặn tai nạn thương tâm.

Tỉnh Lâm Đồng có đề án ao, hồ nhỏ cung cấp nước tưới phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và đã triển khai rộng rãi từ năm 2016, được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong chủ động nguồn nước tưới tiêu và góp phần bảo vệ môi trường. Hiệu quả đã rõ qua những mùa hạn hán ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các hồ tưới này đều được đào khá sâu, đáy và thành hồ lót bạt không có chỗ bấu víu khi chẳng may gặp nạn; hầu hết không được che chắn hay gắn biển cảnh báo nguy hiểm và ẩn khuất trong các vườn, rẫy sản xuất… vô tình tạo thành những “cái bẫy” nguy hiểm với nhiều người, nhất là trẻ nhỏ thường hiếu động, thích khám phá và thiếu kỹ năng khi gặp nạn.

Qua những vụ tai nạn đuối nước tại những ao, hồ phục vụ tưới tiêu ở Tây Nguyên cho thấy, các kỹ năng phòng tránh đuối nước thông thường bấy lâu (được trang bị thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tuân thủ các quy định phòng chống đuối nước; dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng ngừa đuối nước, tăng cường sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc trẻ…) vẫn chưa đủ để ngăn chặn tai nạn thương tâm.

Cần có quy định tiêu chí an toàn đối với ao, hồ phục vụ tưới tiêu khi nghiệm thu công trình, không để người dân tự phát đào ao, hồ. Buộc phải có rào chắn, biển báo nguy hiểm, tiếp đến là trang bị phao cứu sinh, dây cứu nạn tại khu vực có ao, hồ.