Phòng chống đuối nước cho trẻ em

Với nhiều lý do khác nhau, hằng năm, tỷ lệ trẻ em đuối nước vẫn xảy ra. Các giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ vì thế cần được các cơ quan chức năng, đơn vị và gia đình thực hiện thường xuyên.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học bơi trong kỳ nghỉ hè của trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh.
Lớp học bơi trong kỳ nghỉ hè của trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh.

Vừa qua, tại khu vực bến đò Bò Cạp, thuộc khu phố Rạch Bắp, phường An Tây, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương, 7 em nhỏ rủ nhau ra tắm sông. Do không biết bơi cho nên có 3 bé đã bị nước cuốn trôi, mất tích. Còn tại tỉnh Bình Phước, mới đây, một nhóm người rủ nhau ra khu vực nhánh sông Bé (thuộc địa phận ấp Tân Hai, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) chơi. Trong đó, 5 người chèo thuyền ra sông chơi, khi đến giữa dòng thì xuồng bị lật, 2 người bơi được vào bờ, 3 người còn lại do không biết bơi nên bị đuối nước.

Thống kê của các ngành chức năng tỉnh Bình Dương cho thấy, giai đoạn 2020-2023 xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước, khiến 5 trẻ em tử vong. Còn tại Bình Phước, địa phương có nhiều sông, suối, tình hình đuối nước cũng phức tạp. Từ năm 2022 đến hết quý I/2024, địa phương này có đến 49 trẻ em tử vong do đuối nước. Khu vực Đông Nam Bộ gồm nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Những tin tức liên quan đến tai nạn thương tích, đuối nước mỗi khi các cơ quan báo chí đăng tải là một lần khiến chúng ta đau lòng.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm, các vụ đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em trên cả nước. Đây là nỗi lo đối với nhiều gia đình và cơ quan chức năng khi hè về, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước như: do trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa đuối nước; thiếu sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ; nhiều nơi nguy hiểm, dễ gây đuối nước nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới…

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm, chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước, các cấp, ngành, địa phương, trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh trong việc tuân thủ các quy định về phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước; kể cả những hộ dân sinh sống dọc sông, suối, ven ao.

Các đơn vị liên quan, trường học cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong quản lý, giáo dục các em về ý thức phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước. Các gia đình nên chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước…

Tại Bình Phước, địa phương này tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông.

Còn tỉnh Bình Dương cũng phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ. Mục tiêu của chương trình là hơn 60% trẻ từ 6-16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030; 50% trẻ từ 6-16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025, và đạt 60% vào năm 2030.

Trước mỗi dịp hè, các đơn vị chức năng đều có kế hoạch chi tiết, thực hiện chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ trên địa bàn của thành phố. Bình quân khoảng 1.000 trẻ được dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước mỗi dịp hè.