Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

NDO -

NDĐT- Trên cả nước, có hơn 680 di tích và điểm di tích ở 35 tỉnh, thành phố liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Trong đó, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, hơn 45 năm qua, không chỉ là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” về truyền thông và giáo dục việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số thăm Khu di tích tại Phủ Chủ tịch.
Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số thăm Khu di tích tại Phủ Chủ tịch.

Hòa vào dòng người vào thăm các điểm di tích thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tôi được Giám đốc Khu di tích Nguyễn Văn Công dẫn ghé thăm một số điểm di tích chính trong một không gian tĩnh lặng, rợp mát bóng cây. Rảo bước trong Khu di tích, khiến tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Anh dắt em vào cõi Bác xưa, đường xoài hoa trắng nắng đu đưa, có hồ nước lặng sôi tăm cá, có bưởi cam thơm mát bóng dừa”…

Đây là một quần thể gắn bó với Bác trong suốt 15 năm sống và làm việc cuối đời của Người (1954 – 1969). Ngoài các điểm như căn phòng Bác ở và làm việc từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1958 (còn gọi là di tích 54), phòng họp của Bộ Chính trị và cũng là nơi Bác Hồ nằm chữa bệnh từ ngày 18-8-1969 cho đến khi Người trút hơi thở cuối cùng 2- 9-1969 (di tích H67), gara ôtô – nơi trưng bày và bảo quản xe ô-tô sinh thời Bác đã sử dụng…

Giám đốc Nguyễn Văn Công dừng lại lâu hơn trước ngôi nhà sàn và bên cạnh là cây vú sữa của đồng bào miền nam gửi tặng Bác. Thể theo nguyện vọng của Người, Đảng và Nhà nước đã dựng ngôi nhà sàn theo kiểu nhà của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, và đúng dịp ngày 19- 5-1958 thì đón Bác về đây ở. Nhà được làm bằng gỗ dổi, mái nhà lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ và kế tiếp là ao cá dài rộng hơn 3000m² với nhiều loài cá trắm, chép, mè, rôphi. Mười một năm gắn bó với căn nhà vẻn vẹn chỉ vài ba phòng nhưng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm hoa vườn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị; làm việc với các cán bộ đầu ngành hoặc lãnh đạo các địa phương. Nơi đây, Bác gặp gỡ các đoàn khách quốc tế cũng như tiếp đón thân mật các cán bộ, chiến sĩ miền nam trong hoàn cảnh đất nước còn tạm chia làm hai miền…

Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dồn tâm lực, trí tuệ cùng Trung ương Đảng vạch đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam. Tiếp tục lãnh đạo toàn quân và toàn dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhằm thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược lúc bấy giờ là xây dựng CNXH ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới…

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Công, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có 1.620 tài liệu, hiện vật. Do điều kiện nên chỉ gần 800 đầu loại hiện vật, tài liệu được trưng bày, giới thiệu tại các điểm di tích chính. Khuôn viên khu di tích rộng hơn 14 ha có khoảng 1.270 loại cây thuộc 161 loài, 54 họ thực vật; trong đó có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây cho bóng mát, và 67 loài hoa, cây cảnh khác nhau. Khu di tích vốn là một quần thể kiến trúc được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, với mục đích phục vụ mưu đồ cai trị của thực dân Pháp. Trải qua thời gian, tác động của mưa, nắng, thời tiết khí hậu không tránh khỏi sự xuống cấp của một số hiện vật, tài liệu. Song, với tình cảm và ý thức trách nhiệm trước những di sản Bác Hồ để lại, tập thể cán bộ, nhân viên khu di tích hơn 45 năm qua đã tìm mọi cách bảo quản, giữ gìn.

Để làm tốt công tác này, như Giám đốc Nguyễn Văn Công cho biết: Khu di tích không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng duy trì thường xuyên việc kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học; từng bước áp dụng các tiến bộ của khoa học – công nghệ vào công tác bảo quản và giữ gìn các tài liệu, hiện vật trong khu di tích. Chẳng hạn, sử dụng máy hút ẩm, công nghệ khí khô, gắn dụng cụ đo nhiệt độ trong các căn nhà và kho chứa hiện vật. Kết hợp các cơ quan, đơn vị chuyên môn như Viện hóa học kỹ thuật quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, xí nghiệp gỗ cầu Đuống, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Viện Điều tra quy hoạch lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1… triển khai, thực hiện dự án “Bảo tồn tu bổ tổng thể khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” (giai đoạn 2007 – 2011). Trên cơ sở đó, khu di tích đã thực hiện chống hiện tượng mao dẫn gây mục chân tường ở các khu nhà, xử lý hệ thống thoát nước, rải thảm bê-tông toàn bộ đường đi, lối lại trong khu di tích, lắp đặt hệ thống camera bảo vệ, máy soi chiếu phục vụ thiết thực khách tham quan…

Không dừng lại ở việc bảo quản tốt các hiện vật, tài liệu, hơn 45 năm qua, Khu di tích thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân trong nước và khách quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có thể nói trong hệ thống các di tích lưu niệm về Bác Hồ khắp cả nước, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích đặc biệt có sức thu hút đông đảo khách tham quan. Bởi, ngoài ưu thế về mặt địa lý, là giá trị về văn hóa, đạo đức, là nội dung ý nghĩa lịch sử và tầm cao Hồ Chí Minh thể hiện qua các di tích.

365 ngày trong năm, bất kể ngày nắng hay mưa, ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ tết, cán bộ nhân viên khu di tích đều mở cửa đón khách muôn phương. Cho nên, hơn 40 năm qua, khu di tích đã đón tiếp và phục vụ chu đáo khoảng 50 triệu lượt khách đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có hơn 100 đoàn là nguyên thủ quốc gia) đến tham quan, nghiên cứu và học tập về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ.

Theo một cán bộ Phòng Hành chính quản trị Khu di tích, mấy năm gần đây, số lượng khách đến tham quan không ngừng tăng lên. Năm 2013, có gần 2.484.000 lượt người, trong đó có hơn 455 nghìn lượt người đến từ các châu lục (57 đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp quốc tế), có 3.320 tập thể gồm hơn 76.320 lượt người đến tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức Bác Hồ.

Năm 2014, có hơn 2,5 triệu lượt người, trong đó có 406 nghìn lượt người nước ngoài đến tham quan học hỏi. Riêng sáu tháng đầu năm nay, khu di tích đã đón tiếp hơn 1.295.000 lượt người trong và ngoài nước (có hơn 20 đoàn nguyên thủ quốc gia và khách cao cấp quốc tế). Nhất là khoảng bốn năm trở lại đây, đã có hàng trăm cuộc sinh hoạt chính trị của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể như lễ kết nạp Đảng, báo công dâng Bác, sinh hoạt truyền thống; lễ sơ kết, tổng kết cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức tại khu di tích…

Những ngày này, 54 cán bộ, đảng viên và người lao động Khu di tích tại Phủ Chủ tịch đang hào hứng, phấn khởi đón tiếp và phục vụ chu đáo nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nhân 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2- 9. Với tất cả niềm kính yêu vô hạn với Bác, và trách nhiệm lớn lao, các cán bộ, nhân viên khu di tích đã và đang khắc phục mọi khó khăn, hạn chế nhằm thực hiện lời căn dặn và mong mỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước là: Không chỉ tiếp tục nỗ lực hết mình trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ cho các thế hệ mai sau, mà còn phải truyền đạt cho được tâm hồn, cốt cách, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với du khách trong nước và quốc tế đến đây tìm hiểu và học tập, để góp phần phát triển quan hệ Việt Nam và thế giới trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra sâu rộng.