Bảo tồn, phát triển làng nghề cổ ở Bắc Giang

Bảo tồn, phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhằm cụ thể hóa nội dung này, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Phơi bánh tại làng nghề sản xuất bánh đa nem Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên.
Phơi bánh tại làng nghề sản xuất bánh đa nem Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên.

Nâng tầm sản phẩm

Tại Bắc Giang, hằng năm, công tác bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề nông thôn được các cấp, ngành quan tâm. Nhiều làng nghề đã bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm như: Mì gạo của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn); rượu làng Vân, bánh đa nem Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên); bánh đa Kế (thành phố Bắc Giang); mì gạo Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên)...

Tại làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (thành phố Bắc Giang), hiện có hơn 150 hộ làm nghề. Nhiều cơ sở lập dự án đầu tư quy mô lớn, mua sắm máy móc hiện đại. Sản phẩm của làng nghề đã được bảo hộ nhãn hiệu. Bí thư Đảng ủy xã Dĩnh Trì Tạ Quang Như cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này xác định một trong những nhiệm vụ cần quan tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng làng nghề mộc Bãi Ổi”.

Hợp tác xã Mộc Bãi Ổi với 60 thành viên, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Làng nghề được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, quy hoạch khu vực sản xuất, kinh doanh tập trung… Không chỉ sản xuất đồ nội thất dân dụng thông thường, tại đây còn có thêm những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp được xuất khẩu.

Đối với làng nghề mì gạo Châu Sơn, từ chỗ chỉ có vài hộ “mạnh ai nấy làm” thì nay đã thành lập được ba hợp tác xã với sản lượng từ 10-12 tấn mì/ngày. Xã quy hoạch khu sản xuất, kinh doanh mì gạo của làng nghề, nâng cấp đường giao thông giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Ngành điện đã nâng cấp, xây mới một số trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.

Giám đốc Hợp tác xã Mỳ gạo Quế Hằng (huyện Tân Yên) Nguyễn Văn Quế cho biết: “Sản phẩm mì gạo của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được bán tại nhiều thị trường, chuỗi bán lẻ trong nước. Bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã tiêu thụ 30 tấn mì. Năm nay, chúng tôi phấn khởi bởi được Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ 580 triệu đồng mua máy tráng mì, qua đó sẽ giúp nâng công suất, giảm chi phí nhân công và tăng thu nhập cho thành viên”.

Hướng phát triển bền vững

Tỉnh Bắc Giang hiện có 27 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, trong đó, những nhóm làng nghề hoạt động khá hiệu quả là chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Nhóm này hằng năm thu hút hơn 5.400 lao động, doanh thu bình quân đạt hơn 600 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hơn 40 tỷ đồng/năm. Nhiều làng nghề đã được đầu tư nâng cấp dây chuyền, máy móc, thiết bị.

Nhằm bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau. Từ năm 2021 đến nay, chỉ riêng Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề gần 700 triệu đồng để chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, thiết kế và in ấn nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm; hỗ trợ hàng chục cơ sở sản xuất tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và nước ngoài…

Làng nghề đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Bá Thành cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022-2030. Trên cơ sở đó, những địa phương có làng nghề sẽ xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề; đồng thời cân đối, bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Tuy nhiên, làng nghề đang đối diện với nhiều thách thức bởi số lượng hộ gia đình sản xuất có xu hướng giảm dần ở các nghề như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm giấy dó, tăm lụa… Tình trạng thiếu lao động trẻ cũng khiến cho việc bảo tồn, phát triển nghề gặp khó khăn. Công nghệ, trang thiết bị sản xuất ở một số nơi chưa được nâng cấp, đổi mới, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế. Môi trường một số làng nghề bị ô nhiễm. Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự phát huy hiệu quả…

Để phát huy lợi thế cũng như giải quyết những hạn chế, bất cập, tỉnh Bắc Giang đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp quan trọng như: Duy trì, bảo tồn và phát triển 27 làng nghề hiện có; khôi phục, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất… Thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các làng nghề xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; cùng với đó, duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống...