Nếu những ai có dịp đến thăm những bản làng của người Thái Đen, Thái Trắng ở Tây Bắc, đặc biệt những vùng được coi là trung tâm của Xòe như Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La)..., hẳn sẽ không xa lạ với loại hình vũ đạo đã gắn bó bao đời với người Thái nơi đây.
Nhịp sống, sợi dây gắn kết cộng đồng
Chẳng biết Xòe chính xác có từ bao giờ, chỉ biết Xòe như dòng chảy tự nhiên cứ thế được trao truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các nghi lễ văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người Thái. Từ những lễ hội như cúng mường, cúng bản, tạ ơn, cầu mưa, xuống đồng... của làng bản đến những nghi lễ được thực hiện trong phạm vi gia đình như cúng tổ tiên, tang ma, cúng vía, mừng nhà mới, mừng sinh nhật, đám cưới... đều có điệu Xòe uyển chuyển của những người phụ nữ Thái trong trang phục áo cóm hòa cùng âm nhạc của tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính... kết hợp những âm thanh đặc biệt phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của họ.
Khởi nguồn nghệ thuật dân vũ độc đáo đầy bản sắc của đồng bào Thái là sáu điệu Xòe cổ: Khắm khen (cầm tay nhau)-điệu Xòe cơ bản biểu hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, Nhôm khăn (tung khăn) cho thấy sự khéo léo của đôi bàn tay thiếu nữ trên các sản phẩm thổ cẩm truyền thống; Đổn hôn (bước tiến lùi) thể hiện tâm lý vững vàng, niềm tin son sắt dù hoàn cảnh đổi thay; Phá xí (bổ bốn) khẳng định tình cảm của cá nhân với cộng đồng, luôn hướng về nguồn cội; Khắm khăn mơi lảu (nâng khăn mời rượu) thể hiện sự trân trọng, hiếu khách; Ỏm lọm tốp mư (đi vòng tròn vỗ tay) là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, khi mọi người đã trao nhau những tình cảm chân thành. Người Thái có câu “Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe hoa sẽ tàn héo/ Không xòe trai gái không thành đôi”.
Xòe đã trở thành nhịp sống, hơi thở của người Thái vùng Tây Bắc. Xòe Thái được chia thành ba loại: Xòe nghi lễ, Xòe trình diễn, Xòe vòng. Nếu Xòe nghi lễ là những bài bản gắn liền những nghi thức cúng lễ thì Xòe trình diễn là những màn biểu diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Trong ba hình thức, Xòe vòng là phổ biến nhất bởi đây là màn đồng diễn mà mọi người đều có thể tham gia thành những vòng Xòe tròn với khả năng liên kết, mở rộng, nối dài linh hoạt.
Dù các động tác cơ bản của Xòe khá đơn giản, chủ yếu là giơ tay lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh cùng bước nhịp nhàng với dáng hơi ưỡn ngực, lưng ngả về sau, nhưng Xòe lại có sức thu hút và hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều người, dù già hay trẻ, gái hay trai, quen hay lạ, biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và sự hòa hợp cộng đồng.
Theo Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lường Thị Đại, nhìn từ góc độ di sản, Xòe Thái chính là một phần cơ sở để xác định bản sắc văn hóa của tộc người Thái. Đó là cách thức thể hiện hành vi ứng xử giữa người với người, với môi trường sống được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ hình thể để phản ánh những cung bậc cảm xúc, hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống. Không chỉ đem lại sự sảng khoái, cộng cảm, trao truyền những tri thức trong lao động sản xuất, thể hiện mong muốn có được sự che chở của thế lực siêu nhiên để chống lại thiên tai, địch họa, Xòe còn chứa đựng những bài học đạo đức có ý nghĩa giáo dục, đề cao tinh thần, sức mạnh cộng đồng.
Điệu múa Xòe quạt kết hợp với nhảy sạp, do cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Sơn La thể hiện. (Ảnh TTXVN) |
Nghệ thuật Xòe Thái góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện trên phương diện duy trì, bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Thái với sự đa dạng của những điệu Xòe, nhạc cụ dân tộc, dân ca Thái, bảo tồn trang phục truyền thống và tập quán xã hội, tín ngưỡng của người Thái. Mang trong mình những giá trị nhân văn đặc sắc, tại Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tháng 12/2021 tại Pháp, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự công nhận ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng di sản văn hóa đa dạng của Việt Nam, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cần phải bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Những việc cần làm sau vinh danh
Trải qua bao thăng trầm thời gian, Xòe Thái đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng các dân tộc và mọi du khách khi đến với Tây Bắc, nhất là tại các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Xòe hiện hữu ở nhiều không gian văn hóa khác nhau: trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng; trên các sân khấu chuyên nghiệp, các hội thi, hội diễn của Trung ương và địa phương; trong các lễ hội, ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch; các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và trong cả các hoạt động đối ngoại.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị Xòe Thái trong xã hội hiện đại vẫn đối mặt không ít thách thức, khó khăn. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, văn bản, các khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng liên quan nghệ thuật Xòe Thái ở một số địa phương còn hạn chế, trong khi đó các nhà nghiên cứu, thầy cúng biết chữ Thái, nhất là chữ Thái cổ đang ngày càng hiếm dần. Môi trường diễn xướng của Xòe Thái cũng đang có sự thay đổi lớn về không gian, thời gian cũng như trong đạo cụ, trang phục, nhạc cụ, động tác múa... Bên cạnh đó, nghệ thuật Xòe Thái còn đang đối diện nguy cơ lai tạp, biến dạng trước xu hướng “hoành tráng hóa”, “sân khấu hóa” di sản với những vòng đại Xòe nhằm mục đích xác lập các kỷ lục. Đây là xu hướng UNESCO không khuyến khích bởi không đúng với chức năng, ý nghĩa ban đầu của di sản.
Để bảo tồn, lan tỏa giá trị nghệ thuật Xòe Thái đúng cách, cần có giải pháp, chương trình hành động mang tính chiến lược, đồng bộ. Các chuyên gia cho rằng, sau việc vinh danh, di sản phải được bảo vệ theo đúng các công ước quốc tế. Cùng với tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một cách bài bản các điệu Xòe cổ, tư liệu hóa các thông tin liên quan di sản để phục vụ việc lưu giữ, phổ biến di sản, cần có chính sách vinh danh, quan tâm đội ngũ nghệ nhân- những người đang trực tiếp nắm giữ, thực hành Xòe Thái, khích lệ họ đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho việc truyền dạy, lan tỏa tình yêu Xòe tới thế hệ trẻ.
Việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thực hành nghệ thuật Xòe Thái cần được thực hiện song song với việc phát triển các đội văn nghệ quần chúng để cộng đồng được phát huy vai trò chủ thể văn hóa, có điều kiện thực hành Xòe ở nhiều không gian văn hóa khác nhau thông qua các hội thi, hội diễn, lễ hội cộng đồng, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp tinh túy của di sản. Các địa phương sở hữu di sản cần lồng ghép, đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có Xòe Thái vào chương trình học ngoại khóa của các trường.
Để biến di sản thành tài sản, cần có giải pháp phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng, biến Xòe Thái trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của du khách khi đến Tây Bắc. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ di sản của cộng đồng dân cư với vai trò là chủ nhân của tài nguyên du lịch nhân văn Xòe Thái.
Trong bối cảnh hiện nay, muốn thực hiện điều này cần có chính sách, phương hướng phù hợp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, đưa du lịch trở thành động lực đóng góp tích cực và trách nhiệm cho việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái một cách bền vững.