Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng
Ðợt khai quật thăm dò mới nhất này được các nhà khoa học đánh giá là “bất ngờ mà không bất ngờ”. Bất ngờ là bởi trên diện tích gần 1.000 m2 khai quật tại khu vực phía đông bắc điện Kính Thiên, gần di tích Hậu Lâu, có những dấu tích kiến trúc, hiện vật chưa từng được thấy trước đây. Ðiển hình là thời Trần, có một dấu tích kiến trúc tròn đường kính hơn 5 m, chung quanh có dấu tích cống ngầm và lớp văn hóa dày đặc gạch, ngói và dấu tích cháy, vỏ nhuyễn thể biển. Cạnh đó, là một chậu đất nung trang trí rất đẹp, có đường kính lên tới 1,2 m. Dấu tích kiến trúc này được xây dựng hết sức công phu. Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng, có thể đó là một tiểu cảnh trong Hoàng cung, thậm chí, cũng có thể là một công trình tâm linh thời xưa cho nên mới được tạo tác cẩn thận như vậy. Ðối với hiện vật thời Lê, gây ấn tượng mạnh nhất cho các nhà khoa học là mô hình một bộ mái bằng gốm men xanh. Ðây là lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm thấy một mô hình mà hệ thống kèo, xà, đấu củng, đầu dư, cách lợp bộ mái âm dương… được thể hiện chi tiết như thế. Rồng chạm ở phần đầu dư có hình thái giống hệt so với rồng tại thềm điện Kính Thiên. Bộ mái này là cơ sở hết sức quan trọng để phục dựng điện Kính Thiên thời Lê theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
Ðối với hiện vật thời Lê Trung hưng, cũng ở khu vực phía đông bắc điện Kính Thiên, gần với khu vực khảo cổ lần này, đợt khảo cổ năm 2019 đã xác định được tiểu cảnh vườn hoa gồm: Ðường đi, bồn hoa, sân gạch... thì với những kết quả khai quật mới, các dấu tích này tiếp tục xuất hiện về phía bắc, giúp xác định rõ hơn ranh giới của công trình. Ðiển hình như có một ngòi nước, trước đây đã phát hiện 60 m, nay đã đào và phát hiện thêm một đoạn 20 m nữa. Cạnh đó có một công trình kiến trúc chạy dài, dường như ngòi nước chạy đến đâu thì kiến trúc gỗ chạy đến đó.
Ðiều không bất ngờ là tương tự các cuộc khai quật trước, các lớp hiện vật xếp chồng lên nhau, từ thời tiền Thăng Long, cho đến Thăng Long qua các đời Lý, Trần, Lê, Lê Trung hưng, Nguyễn. Những hiện vật tìm được đều đặt ra những câu hỏi mới.
Ðịnh vị lại việc khai quật khảo cổ
Mỗi lần khai quật, chúng ta lại có thêm… những câu hỏi mới. Các nhà khoa học vừa mừng, vừa lo. Nói theo cách của Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, TS Nguyễn Văn Sơn, thì nếu tiếp tục như thế này, có lẽ phải đến hết thế kỷ chúng ta cũng chưa nhận thức được giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long là nhiệm vụ lâu dài. Nhưng chúng ta cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Thí dụ như chúng ta đang mong muốn thực hiện phục dựng điện Kính Thiên, thì nên tập trung khai quật khảo cổ ở những khu vực liên quan trực tiếp, thay vì mỗi năm đào một nơi, khai quật xong chúng ta lấp lại như hiện nay. Chúng ta cần có chương trình nghiên cứu rõ ràng hơn”.
Nhiều nhà khoa học khác cũng chia sẻ quan điểm này của TS Nguyễn Văn Sơn. Vấn đề phục dựng điện Kính Thiên hiện nay đã giải quyết được phần mái. Tuy nhiên, phần bước gian, cột, nội thất ra sao thì còn nhiều câu hỏi. Trước đây, các cuộc khai quật khảo cổ từng đào được một móng cột lớn ở khu vực điện Kính Thiên. Nhưng từ đó, lại chưa có cuộc khai quật nào ở khu vực nền điện Kính Thiên được tiến hành. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng cách mạng Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta cần có định hướng rõ ràng hơn trong công tác khai quật khảo cổ. Ðối với phục dựng điện Kính Thiên, khi tìm được hiện vật, tư liệu gì phải xây dựng hồ sơ ngay, giải quyết từng bộ phận. Cần có nghiên cứu đồng bộ, đồng thời cũng phân nhánh các nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long, về điện Kính Thiên. Như vậy, chúng ta mới có đủ tư liệu để phục dựng điện Kính Thiên. Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, nhận thức về Hoàng thành Thăng Long ngày nay đã khác xưa rất nhiều, giá trị của Hoàng thành Thăng Long đã được khẳng định. Do đó, các nhà khoa học cần phải đề xuất để chính quyền thành phố làm mạnh hơn nữa, nhất là trong phục dựng một số công trình, tổ chức trưng bày các nghiên cứu… để đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Ðến thời điểm này, công tác khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện được trên diện tích gần 10 nghìn m2 tại khu vực Thành cổ (chưa tính Khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu). Ðây là một công trường khảo cổ rất lớn, nhưng rõ ràng, công tác khai quật cần triển khai có trọng tâm, để đáp ứng nhiệm vụ lâu dài, đồng thời, đáp ứng yêu cầu trước mắt trong phát huy giá trị, giới thiệu giá trị Hoàng thành đến công chúng, thu hút khách du lịch.