Bảo tồn nhà cổ miền Tây

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 1.000 ngôi nhà cổ, không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử mà còn là nơi lưu dấu tâm hồn con người Nam Bộ. Do chưa được quan tâm đúng mức, nhiều căn nhà cổ đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ... biến mất.
0:00 / 0:00
0:00
Nét đẹp kiến trúc Pháp của Nhà cổ Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. (Ảnh MỸ HÀ)
Nét đẹp kiến trúc Pháp của Nhà cổ Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. (Ảnh MỸ HÀ)

Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn rất nhiều những ngôi nhà cổ, được lưu giữ nguyên vẹn, tập trung nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ. Thời gian qua, một số ngôi nhà đã được bảo tồn, đưa vào khai thác du lịch, nhưng cũng chỉ là số ít so với tiềm năng hiện có.

“Vàng son” một thuở

Hầu hết kiến trúc nhà cổ miền tây đều có những nét chạm trổ, hoa văn độc đáo hoặc đi kèm nội thất in đậm dấu ấn thời gian. Tuy nhiên, những ngôi nhà được khai thác phục vụ du lịch thành công không nhiều. Ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Đồng Tháp chỉ có thêm nhà Công tử Bạc Liêu ở thành phố Bạc Liêu hay những ngôi nhà cổ của dòng họ Dương tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ là phát huy tốt giá trị. Hơn 100 năm qua, các công trình đặc biệt này vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc xưa, như “thông điệp thời gian” từ quá khứ.

Mỗi năm, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đón hơn 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan; trong đó nhiều nhất là khách Pháp, Đức, Mỹ. Ngôi nhà rộng 258m², được xây dựng bằng gỗ từ năm 1895 gồm ba gian có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc Bộ, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa.

Đợt trùng tu lớn năm 1917, ngôi nhà được xây dựng lại mang nét đặc trưng của biệt thự Pháp kết hợp hài hòa với kiến trúc phương Đông. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, ngôi nhà vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn, trở thành biểu tượng cho một nền kiến trúc độc đáo hàng trăm năm trước. Nhờ vẻ đẹp kiến trúc và sự lan tỏa của cuốn tiểu thuyết “Người tình” (được dựng thành bộ phim nổi tiếng cùng tên), ghi lại câu chuyện tình lãng mạn của ông Huỳnh Thủy Lê - chủ nhân căn nhà với tác giả là nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras, cho nên khi đưa vào khai thác du lịch, công trình đã thu hút đông đảo du khách.

Trong đoàn khách nước ngoài tham quan ngôi nhà, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Barbara Steffensmeier đến từ Mỹ, bà xúc động bày tỏ: ‘‘Thật ngạc nhiên khi thấy một tòa nhà có kiến trúc đẹp như vậy. Đất nước chúng tôi dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để bảo tồn quá khứ. Các bạn cũng cần làm điều đó với nơi này...”.

Nhà cổ Bình Thủy ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ có tên chính thức là Phủ thờ họ Dương hay còn gọi là Nhà thờ họ Dương, Nhà cổ vườn lan; được đánh giá là ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô với lịch sử hơn 150 năm. Được xây cất lần đầu vào năm 1870, đến những năm đầu thế kỷ 20 dòng họ Dương đã mở rộng, xây mới thêm một số hạng mục. Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ - một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có mắt thẩm mỹ; vì vậy ngôi nhà được thiết kế theo phong cách kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp sang trọng.

Ngôi nhà năm gian hai chái được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m² theo hướng đông tây có nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Tuy kiến trúc nhà, phòng khách bài trí theo phong cách châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt cho thấy sự giao tiếp văn hóa đông-tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân; mang đến một phong cách riêng, rõ nét lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ 19-20 của tầng lớp giàu có ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia, ngày càng thu hút nhiều khách đến thăm.

Nét độc đáo của nhà cổ đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm bối cảnh phim, như: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời... và nổi tiếng nhất là phim “Người tình” của đạo diễn Pháp gạo cội Jean Jacques Annaud. Đây cũng là một trong số ít những căn nhà cổ còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, có giá trị lớn hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Chị Vũ Diệu Anh đến từ Hà Nội cho biết: “Trước đây chỉ được biết ngôi nhà cổ này qua phim ảnh, báo chí, nay tôi thấy tự hào khi được nhìn tận mắt kiến trúc thật độc đáo của ngôi nhà. Tôi mong muốn Nhà nước duy tu, bảo tồn và có nhiều du khách đến tham quan chiêm ngưỡng những nét văn hóa độc đáo của miền tây”. Ngắm nghía tỉ mỉ từng đường nét, bài trí của ngôi nhà, ông Michael, một du khách Mỹ thích thú: “Tôi thật sự ngạc nhiên về kiến trúc của ngôi nhà. Bên ngoài là phương Tây, bên trong là phương Đông, rất thú vị. Đặc biệt là trong nhà có những đồ vật được làm rất tinh xảo mà ở quê hương chúng tôi cũng có nhưng không thể bằng”.

Là cháu đời thứ bảy dòng họ Dương ở Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, ông Dương Viết Luận tự hào: “Ngôi nhà như một viên ngọc quý, chúng tôi luôn giữ gìn và biết ơn ông bà đã để lại. Đây còn là di sản văn hóa cấp quốc gia, là điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến cho nên cần có sự cẩn trọng trong duy tu, bảo tồn; làm gì gia đình cũng phối hợp ngành văn hóa địa phương”.

Để nhà cổ “hồi sinh”

Mặc dù nhà cổ là vốn quý, mang đặc trưng văn hóa độc đáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nhiều ngôi nhà trong số đó đã không được bảo vệ, giữ gìn. Nhiều công trình bị xuống cấp hoặc được sửa chữa theo lối kiến trúc hiện đại tùy vào mục đích của gia chủ hoặc đơn vị khai thác. Việc bảo tồn nhà cổ lâu nay tỉnh nào làm tỉnh đó, làm lẻ tẻ chắp vá chưa có sự thống nhất, có định hướng chiến lược. Trước thực tế này, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ biến mất vĩnh viễn của nhà cổ trong tương lai không xa nếu việc bảo tồn không được quan tâm đúng mức.

Đại diện Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm qua, công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn di tích tại Bạc Liêu được chính quyền địa phương và ngành văn hóa thực hiện song chưa đáp ứng được yêu cầu mà nguyên nhân lớn nhất là do thiếu kinh phí. Đối với số nhà cổ do tư nhân quản lý (chưa được công nhận di tích), công tác trùng tu, tôn tạo còn khó khăn hơn. Nhiều nhà cổ bị xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chủ nhà không có kinh phí, hoặc không có kiến thức trong lĩnh vực trùng tu, trong khi đó chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ. Có trường hợp, khi ngành chức năng đề cập việc hỗ trợ duy tu, bảo tồn theo chủ trương của Nhà nước thì chủ nhà cổ không đồng thuận mà muốn tự mình sửa chữa theo ý riêng.

Thực tế hiện nay, các ngôi nhà cổ đều do người dân sở hữu, do đó, nhiều ý kiến cho rằng muốn bảo vệ, chính quyền địa phương phải tích cực vào cuộc, khẩn trương thực hiện khảo sát, lên danh sách và đánh giá hiện trạng từng ngôi nhà. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giáo dục giúp người dân ý thức về giá trị lịch sử, văn hóa của nhà cổ để ra sức giữ gìn. Chỉ khi hiểu tường tận và được hưởng lợi từ di tích thì họ mới quyết tâm. Điều quan trọng nữa là cần có sự đầu tư, tham khảo ý kiến chuyên gia để trùng tu, sửa chữa.

Công tác bảo tồn rất cần sự huy động các nguồn lực, gắn bảo tồn với phát triển du lịch, khai thác tiềm năng từ những công trình giá trị này để những dấu ấn văn hóa, lịch sử của những ngôi nhà cổ Nam Bộ thật sự “hồi sinh”. Từ năm 2006, tỉnh Đồng Tháp đã khai thác tour du lịch “Theo dấu chân Người tình” tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Mỗi ngày, nơi đây đón hơn 1.000 lượt khách, trong đó hơn 50% là khách nước ngoài.

Ở thành phố Cần Thơ, những du khách đến Nhà cổ Bình Thủy, nhất là khách nước ngoài rất thích thú với phong cách Nam Bộ cổ xưa của ngôi nhà khi được ngồi trên bộ trường kỷ trăm năm, nhấm nháp ly trà, nếm miếng bánh dân gian hay cây trái sau vườn. Hiện nay gia đình đang quản lý, khai thác làm du lịch; một vài công ty cũng đã hỗ trợ tu bổ, bảo tồn nhà cổ khá tốt theo hướng “đôi bên cùng có lợi”. Điều đó cho thấy, việc khai thác giá trị nhà cổ không phải không làm được mà vấn đề là các ngành chức năng và chủ nhân nhà cổ có quan tâm, chung tay vào cuộc hay không?

Theo kết quả thống kê, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 96 ngôi đình làng và 76 ngôi nhà cổ. UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về Phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng và nhà cổ kết hợp với phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2024-2025 nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống một cách bền vững, tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, sẽ tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch các điểm di tích, bảo tàng và di sản văn hóa đình làng, nhà cổ trong tỉnh với các địa phương lân cận. Tổ chức cho các đơn vị lữ hành khảo sát, tìm hiểu các di tích có tiềm năng để khai thác.

Dù khó, nhưng nếu quyết tâm thực hiện các giải pháp, những căn nhà cổ miền tây hàng trăm năm tuổi sẽ có điều kiện để “hồi sinh” trong đời sống đương đại.