Bảo tồn ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha

Đồng bào La Ha là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống ở tỉnh Sơn La, trong đó nhiều nhất ở huyện Mường La. Trước nguy cơ tiếng nói và chữ viết của dân tộc La Ha đang dần bị mai một, Sơn La đã có nhiều chương trình, chính sách để bảo tồn.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của đồng bào dân tộc La Ha, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La).
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của đồng bào dân tộc La Ha, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La).

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Tại huyện Mường La, đồng bào dân tộc La Ha sinh sống ở 17 bản, thuộc 10 xã trong huyện với gần 1.100 hộ, hơn 5.300 nhân khẩu, chiếm gần 5% số dân toàn huyện. Dân tộc La Ha có nhiều nét văn hóa truyền thống, như: Lễ hội dâng hoa Măng và Pang A, lễ mừng cơm mới, điệu múa Tăng Bu...

Do vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này, Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp huyện Mường La đẩy mạnh nghiên cứu phục dựng các lễ hội, trang phục, trong đó có ngôn ngữ của đồng bào dân tộc La Ha.

Qua khảo sát tại Mường La cho thấy, đồng bào dân tộc La Ha đang cư trú dọc ven sông, ven suối, sườn đồi thành những bản riêng rẽ hoặc xen lẫn với đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú. Trong đó, chỉ có bốn bản: Nà Tạy, Pá Hát (xã Pi Toong), Huổi Ban (Mường Trai) và bản Huổi Liếng (Nặm Păm) duy trì tốt tiếng La Ha; năm bản có ít người biết nói và tám bản còn lại người La Ha không biết nói tiếng dân tộc mình.

Nguyên nhân người dân tộc La Ha không biết tiếng dân tộc mình là do các bản của đồng bào La Ha sống phân tán hay xen kẽ với đồng bào dân tộc Thái. Trải qua nhiều năm, họ đã không còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình và dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Thái.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, để bảo tồn tiếng nói của dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Mường La nói riêng, năm 2020, từ đề án phát triển kinh tế-xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn Sơn La, trong đó có phần dạy tiếng La Ha, tỉnh đã giao cho huyện Mường La phối hợp mở các lớp học ngôn ngữ cho đồng bào dân tộc La Ha tại các bản trong huyện.

Ông Quàng Văn Hóa, bản Nà Tạy, xã Pi Toong (huyện Mường La) là người đầu tiên tham gia dạy tiếng La Ha, chia sẻ: Tôi được huyện cử tham gia đứng lớp dạy tiếng dân tộc mình cho người dân La Ha tại các bản của xã Chiềng Lao. Nội dung về sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng trong gia đình, mối quan hệ trong gia đình bằng tiếng La Ha. Người dân rất hào hứng học và tiếp thu được khoảng 80% lượng kiến thức. Tuy nhiên, để bà con duy trì và tiếp tục truyền đạt tiếng nói của dân tộc mình cho chính những thành viên trong gia đình thì cần có thêm những lớp học như thế này.

Đến bản Lọng Bong, xã Hua Trai, cách trung tâm xã khoảng 7km trên con đường rải cấp phối gồ ghề đá. Đây là bản khá biệt lập, vẫn những ngôi nhà sàn quen thuộc và nói toàn tiếng Thái, khiến cho người lần đầu đến sẽ lầm tưởng đây là một bản người Thái. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn, Bí thư Chi bộ bản Lọng Bong Cà Văn Sinh cho biết: Bản có gần 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Tuy là bản dân tộc La Ha, nhưng hầu hết người dân trong bản đều không biết tiếng của dân tộc mình, mà chỉ nói tiếng dân tộc Thái.

Sau khi huyện mở lớp dạy tiếng La Ha trong bản, mỗi hộ cử một người tham gia lớp học, sau đó về truyền lại cho các thành viên trong gia đình. Rất mong có những lớp dạy ngôn ngữ như vậy để người dân trong bản biết nói và duy trì được ngôn ngữ của dân tộc mình. Chia sẻ về trải nghiệm sau khi được tham gia lớp học tiếng La Ha, chị Quàng Thị Biên, bản Lọng Bong, nói: Từ khi sinh ra chúng tôi chỉ nói tiếng Thái.

Được tham gia lớp học, chúng tôi đã được nói tiếng của dân tộc mình, hiểu thêm về phong tục tập quán, cội nguồn dân tộc và thấy ngôn ngữ dân tộc mình rất riêng biệt. Trước đây, với những câu nói giao tiếp trong sinh hoạt thường dùng tiếng dân tộc Thái, thì nay chúng tôi đã có thể giao tiếp bằng chính tiếng La Ha. Thí dụ như: Uống nước tiếng Thái là “cin nặm” còn tiếng La Ha là “láng úng” hay ăn cơm tiếng Thái là “cin khẩu” còn tiếng La Ha là “lắng mạ”…

Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc La Ha nói riêng đang được tỉnh Sơn La lồng ghép vào đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội ■