Bảo tồn di tích đặc biệt Bạch Đằng

Là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của người dân đối với công lao to lớn của những người Anh hùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương về tham dự và chiêm bái.
0:00 / 0:00
0:00
Nghi lễ rước tượng Đức Thánh Trần trong Lễ hội Bạch Đằng.
Nghi lễ rước tượng Đức Thánh Trần trong Lễ hội Bạch Đằng.

Dòng sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc ta với 3 chiến thắng oanh liệt: Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước; năm 981, Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược nhà Tống; năm Mậu Tý 1288, quân và dân Đại Việt tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên-Mông, ghi dấu son chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa Lễ hội Bạch Đằng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức hằng năm từ ngày mồng 6 đến 9 tháng 3 (âm lịch) tại quần thể Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng gồm: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang (phường Yên Giang) và đình Trung Bản (xã Liên Hòa), đền Trung Cốc (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên) với những nghi thức tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân và khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích luôn được chú trọng. Đến nay, đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học nghiên cứu về chiến thắng và di tích Bạch Đằng quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức. Các công trình nghiên cứu khoa học tại các cuộc hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề cốt lõi, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề cần nghiên cứu đối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Từ năm 2012, thị xã Quảng Yên đã phối hợp lập Quy hoạch tổng thể dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng tỉnh Quảng Ninh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng và dự án đang được triển khai theo từng giai đoạn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết: Nhận thức được những giá trị và tầm quan trọng của di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, những năm qua, quần thể Khu di tích luôn được tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên quan tâm đặc biệt, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị. Năm 2023, thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ đưa Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng vào Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn-Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Một trong những định hướng trọng tâm được Quảng Yên tích cực triển khai là phát triển du lịch gắn với giá trị di tích Bạch Đằng, kết nối các tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, kết nối di tích Bạch Đằng với Khu di tích Nhà Trần, di tích danh thắng Yên Tử, cùng với đó là việc bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thị xã. Qua các năm, lượng du khách đến với di tích Bạch Đằng trên địa bàn thị xã Quảng Yên ngày càng tăng cao.

Hiện nay, thị xã Quảng Yên đang khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch chi tiết và đề xuất đầu tư tiếp giai đoạn II dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng; đồng thời sớm đưa quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh.

Với những giá trị đặc biệt, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã và đang được tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên tích cực bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tạo đà phát triển du lịch, mở rộng không gian kết nối du lịch từ di tích Bạch Đằng đến các điểm di tích và các địa phương trong, ngoài tỉnh.