Bảo tồn di sản gắn với khai thác du lịch

Nhiều năm qua, huyện Ngọc Lặc luôn quan tâm bảo tồn di sản dân tộc Mường gắn với khai thác lợi thế du lịch ở huyện “cửa ngõ” lên miền tây tỉnh Thanh Hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Bàn Bù.
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Bàn Bù.

Huyện miền núi Ngọc Lặc có gần 140 nghìn nhân khẩu, gồm các dân tộc: Mường, Dao, Thái, Kinh chung sống ở 21 xã, thị trấn; trong đó người Mường chiếm 75% dân số. Người Mường ở huyện Ngọc Lặc nói riêng, các dân tộc thiểu số ở vùng thượng du Thanh Hóa nói chung gắn liền với lịch sử hình thành quốc gia dân tộc, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.

Dù vậy, những sinh hoạt vật chất “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” không còn phổ biến; nhiều di sản phi vật thể của người Mường ở Ngọc Lặc có nguy cơ mai một. Huyện dành gần 300 triệu đồng ngân sách mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, xây dựng hồ sơ đề cử, công nhận các di sản phi vật thể; thu hút, huy động các nguồn lực xây dựng nhà sàn văn hóa, sưu tầm cồng chiêng, tổ chức ngày hội văn hóa truyền thống thường niên. Ngọc Lặc hiện dẫn đầu các huyện miền núi ở Thanh Hóa về số lượng di sản phi vật thể quốc gia: Trò diễn Pồn Pôông, Xường giao duyên, Sắc bùa dân tộc Mường, Tết nhảy của người Dao trong huyện và mới đây tập quán tín ngưỡng Mo Mường ở Ngọc Lặc cùng các vùng Mường trong tỉnh được ghi danh di sản phi vật thể quốc gia. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá: Mo Mường là bộ bách khoa toàn thư dân gian phản ánh thế giới quan, vũ trụ quan của người Mường. Nội dung Mo Mường hội tụ tri thức bản địa, phản ánh đời sống tinh thần, tập quán xã hội dân tộc Mường. Thông qua lời Mo và các hình thức diễn xướng, các nghệ nhân Mo Mường truyền tải những bài học quý về giáo dục nhân cách con người, bảo tồn các giá trị cá nhân, gia đình và cộng đồng. Lưu giữ, phục hồi các bài mo có giá trị giáo dục cao, tái hiện trong các hoạt động văn hóa cộng đồng là việc làm cần thiết.

Hoạt động làm cây Bông, trò diễn Pồn Pôông; các phường Chúc tập hợp những người năng khiếu, yêu thích hát Xường được bảo lưu, tái hiện trong đời sống cộng đồng người Mường ở Ngọc Lặc. Qua sưu tầm, trên địa bàn huyện lưu truyền hơn 3.500 câu Xường giao duyên, thể hiện trong đối-đáp, thổ lộ tâm tình, khát vọng yêu thương, trao gửi tình cảm. Các di sản phi vật thể chủ yếu được lớp người trung, cao tuổi bảo tồn cho nên huyện bố trí ngân sách để mua sắm đạo cụ, trang phục; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hỗ trợ nghệ nhân trao truyền các di sản phi vật thể cho thế hệ trẻ. Qua đó, tăng niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm của các nghệ nhân trong truyền dạy nghệ thuật diễn xướng Sắc bùa, hát giao duyên, biểu diễn Pồn Pôông; sử dụng nhạc khí, nhạc cụ: Cồng chiêng, trống, chuông, khánh, sáo ôi; mõ, tỉnh tang, đâm đuống, tam bu… trong sinh hoạt, đời sống các vùng Mường ở huyện cửa ngõ miền tây của tỉnh.

Đi đôi với bảo tồn, trao truyền, tái hiện những di sản phi vật thể đặc sắc, huyện Ngọc Lặc thực hiện đề án bảo tồn nhà sàn truyền thống văn hóa dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng, giai đoạn 2021-2025; đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng nhà sàn văn hóa, hỗ trợ 400 triệu đồng cho các hộ dân ở làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) chỉnh trang nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh; mở các lớp dạy chế biến, nấu ăn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành hoạt động du lịch. Xã Thạch Lập thuộc tiểu vùng khí hậu mát mẻ, có đồi Sơn cao 987m so với mực nước biển; thác, suối Khe Tra, Hang Gió, Hang Con, suối Kẻ..., tạo thành quần thể thiên nhiên hấp dẫn du khách. Trưởng thôn Lập Thắng Phạm Văn Cảnh trao đổi: Thôn có 20 hộ đăng ký kinh doanh homestay, được hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để thay mái lợp, xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà ở. Câu lạc bộ văn nghệ tập hợp, thu hút 30 thành viên tham gia truyền dạy, tập luyện các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống phục vụ du khách. Kỳ nghỉ lễ hoặc cuối tuần, các gia đình, nhóm thanh niên, du khách tìm về Lập Thắng, lưu lại trong thôn, hòa mình trong nhịp sống yên ả, khám phá hang động, cắm trại trên đỉnh đồi Hích ngắm phong cảnh, săn mây, rồi đầm mình nơi vũng tắm Khe Tra... Các món ẩm thực bản địa như thịt gà, thịt lợn luộc chấm với hạt mắc khén, khoai mán vàng hầm xương dẻo thơm, cơm nếp hạt cau ăn cùng cá, tôm kho tộ được khách du lịch yêu thích lựa chọn, nhất là du khách có thể chung vui tiệc rượu cần, giao lưu văn hóa, văn nghệ với thành viên cộng đồng trong thôn, bản.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phạm Văn Đạt thông tin thêm: Lễ hội truyền thống Thạch Lập mới được khôi phục, tổ chức hằng năm tạo thêm sự kiện thu hút du khách. Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực chỉnh trang cảnh quan, khuôn viên Nhà sàn văn hóa truyền thống làng Lập Thắng thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn; quan tâm bảo tồn, đề cao vai trò của người dân, cộng đồng trong phát huy giá trị các di sản gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng, kết nối với Di tích lịch sử, văn hóa-thắng cảnh Hang Bàn Bù ở thị trấn huyện Ngọc Lặc, Đền Tép ở xã Kiên Thọ, các khu, điểm du lịch trong tỉnh ■